In bài này

1.- CÓ ĐIỀU KHIỂN HƠI THỞ LÀ CHƯA NHẬP ĐỊNH; 2.- BẰNG CÁCH NÀO KIẾP SAU GẶP CHÁNH PHÁP; 3.- ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ

Lượt xem: 3344

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP. tập 3, TG.2011, tr.65-66; 93-96; 134-137)
link sách: ĐVXP. tập 3

1.- CÓ ĐIỀU KHIỂN HƠI THỞ LÀ CHƯA NHẬP ĐỊNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi hơi thở thật nhẹ, rất thông và dài, nhưng cũng có sự điều khiển phải không thưa Thầy?

Ðáp: Khi hơi thở thông nhẹ và dài mà còn có sự điều khiển bằng pháp hướng hoặc bằng sự vận dụng thì đó là đang tập tu nhiếp tâm, chứ không phải nhập định. Nhất là đang tu định diệt tầm giữ tứ thì mọi sự điều khiển và sự hướng tâm là rất cần thiết cho định này. Hơi thở nhẹ, dài và thông suốt, phải coi chừng hơi thở này là hơi thở tưởng, tức là tưởng tức, khi có tưởng tức xuất hiện ngay liền thì có trạng thái khinh an. Ðó là do công phu ức chế tâm mà rơi vào trạng thái của định tưởng. Khi gặp hơi thở này thì chúng ta cố nhớ tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hay “Quán tâm như đất tôi biết tôi hít vô, quán tâmnhư đất tôi biết tôi thở ra” hay “Tâm hãy ly dục ly ác pháp bất động tâm”. Nhờ có tác ý như vậy mà phá được tưởng thức, và đồng thời có lợi lạc rất lớn là xả được tâm ác, lìa tham, sân, si là tâm có năng lực không tham, sân, si, năng lực không tham, sân, si là năng lực của tâm thanh tịnh, năng lực tâm thanh tịnh tức là phương tiện điều khiển thân tâm nhập các loại định sau này.

2.- BẰNG CÁCH NÀO KIẾP SAU GẶP CHÁNH PHÁP

Hỏi: Kính thưa Thầy! Nếu kiếp này con không tu giải thoát được, nhưng có hiểu chút ít chánh pháp, làm thế nào để kiếp sau con vẫn nhớ và ngộ đạo được sớm hơn (6, 7 tuổi) đi tu?

Ðáp: Nếu muốn kiếp sau gặp được chánh pháp tu hành, thì kiếp này mỗi tháng con nên chọn một ngày Thọ Bát Quan Trai.

Thọ Bát Quan Trai là phương pháp học làm Phật một ngày, chỉ một tháng có một ngày làm Phật thì đó là gieo duyên với chánh Phật Pháp để kiếp sau còn có duyên gặp được Chánh Phật Pháp, đức Phật ví dụ như cây cổ thụ kia, nó nghiêng về hướng nào thì bóng nó nghiêng về hướng nấy.

Thọ Bát Quan Trai là phương pháp tu tập giữ gìn giới đức Thánh Tăng, nếu một ngày tu tập Thọ Bát Quan Trai, chịu khó con tư duy lại xem có phải ngày ấy là một ngày con ly dục ly ác pháp chăng? Có phải ngày ấy là ngàycon sống cho con phải không ? Nếu ngày ấy con tu hành đúng pháp của Phật thì con tìm thấy được một ngày giải thoát hoàn toàn. Ngày Thọ Bát Quan Trai mà con biết buông xuống hết những gì đang trói buộc trong con, thì con tìm thấy một chân trời hạnh phúc tại ngay đó.

Ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày con gieo nhân với chánh Pháp của Phật, ngày ấy không bao giờ mất.

Ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày con thắp sáng ngọn đèn trí tuệ giải thoát trong con, và ngọn đèn trí tuệ ấy cháy mãi cho đến khi con hoàn toàn chấm dứt sanh, tử, luân hồi vào Niết Bàn.

Như vậy ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày quan trọng nhất của đời người cư sĩ của các con, nó là một mốc quan trọng quyết định cho cuộc đời tu hành theo Chánh Phật Pháp. Các con hãy ghi nhớ những lời dạy trên đây, nhưng các con cũng phải đề phòng, vì có những loại Thọ Bát Quan Trai giả, lừa đảo mà không đúng chánh pháp của Phật.

Ví dụ: Thọ Bát Quan Trai bằng cách tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền nghe thuyết pháp... đó là Thọ Bát Quan Trai của Bà La Môn.

Thọ Bát Quan Trai đúng cách của Phật giáo thì không được tập trung đông người vào Thiền đường, Tổ đường, Ðại hùng bảo điện, mà chỉ mỗi người ở riêng một cái thất, sống độc cư, phòng hộ sáu căn và tu tập Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp, khiến cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự suốt ngày hôm ấy, giống như Phật và chúng Tỳ kheo Tăng và Tỳ kheo Ni ngày xưa trong thời Phật còn tại thế. Có tu tập đúng như vậy mới gieo duyên với Chánh Pháp. Nhờ đó, muôn đời ngàn kiếp không sợ mất chánh pháp.

3.- ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Vị Minh sư tỏa sáng đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có tâm ly dục trở nên trong sáng sẽ được hưởng ánh sáng nhiều và ngược lại.

Ðáp: Vị Minh sư luôn tỏa ánh sáng trí tuệ đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có đủ duyên với Phật pháp, nên khi gặp được ánh sáng trí tuệ đó, liền đặt trọn lòng tin kiên cố ở vị Minh sư, nhiệt tâm thực hiện lời dạy của Người, sống đúng, tu tập đúng, nhờ đó tâm ly dục ly ác pháp. Ngày ngày tâm trở nên trong sáng hơn và thụ hưởng áng sáng trí tuệ đó nhiều hơn.

Ánh sáng trí tuệ Phật luôn luôn tỏa khắp trong không gian, như không khí mà quý vị đang hít thở, nếu quý vị khởi một niệm thiện pháp thì ánh sáng đó trở thành trí tuệ của quý vị, tức là quý vị đang hành động một đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người.

Vì thế, kẻ nào sống trong thiện pháp biết ngăn ngừa ác pháp, là đang sống trong trí tuệ của Phật, trí tuệ của vị Minh sư, ngược lại sống không biết ngăn ác, diệt ác pháp, sống phạm giới, phá giới là sống xa lìa trí tuệ Phật, không hưởng được ánh sáng của vị Minh sư, tức là sống xa lìa sự giải thoát của đạo Phật. Phật lúc nào cũng sống bên chúng sanh, còn chúng sanh thì lúc nào cũng sống xa Phật. Tại sao vậy? Vì chúng sanh thường sống trong ác pháp, còn Phật thì sống trong thiện pháp. Nếu chúng sanh biết sống trong thiện pháp thì đó là trở về với Phật, còn chúng sanh sống trong ác pháp, là xa lìa Phật, dù muốn gần Phật cũng không được, dù hết lòng cầu khẩn cũng không được.

Cho nên, đạo Phật rất đơn giản nhưng người không biết tu tập sai pháp như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, đọc thần chú, bái sám, lạy hồng danh chư Phật, cầu an, cầu siêu, v.v... đều là những việc làm đi ngược lại với Phật giáo: Gây tạo ra nhiều màu sắc mê tín, dị đoan, ảo giác, trừu tượng... Phần nhiều sống trong ảo mộng.

Xét lại, tất cả các tôn giáo hiện có mặt trên hành tinh này đều có sự giống nhau, không rơi vào hình thức mê tín này, thì lại rớt vào hình thức mê tín khác. Ðó là vì chịu ảnh hưởng chung trong một bối cảnh siêu hình của tưởng tri.

Vì thế, khi đức Phật nhập diệt các tu sĩ ngoại đạo cố gắng lồng thế giới siêu hình vào đạo Phật, để biến Phật giáo giống như các tôn giáo khác, để dễ bề chúng phát triển thế giới siêu hình.

Nếu đạo Phật giẫm lại lối mòn của các tôn giáo khác, thì đạo Phật không còn ý nghĩa tự lực của đạo giải thoát nữa.

Nhìn chung toàn bộ kinh sách Ðại Thừa đều là một kho giáo lý góp nhặt những tưởng tri của các nhà triết học tôn giáo và thế tục.

Lý luận nghe rất siêu, nhưng áp dụng vào đời sống con người thì ích lợi không bao nhiêu mà tai hại thì rất nhiều.