• phattuvandao1
  • quetsan
  • vandao2
  • vandaptusinh
  • tinhtoa1
  • ttl1
  • amthat3
  • tinhtoa2
  • tamthuphattu
  • khatthuc1
  • thanhanhniem3
  • amthat1
  • toduongtuyetson
  • ThayTL
  • thanhanhniem1
  • huongdantusinh
  • tranhducphat
  • phattuvandao3
  • benthayhocdao
  • amthat2
  • lailamtoduong1
  • ttl3
  • chanhungphatgiao
  • lopbatchanhdao
  • thanhanhniem2
  • daytusi
  • Phật tử vấn đạo Thầy Thông Lạc
  • Thầy Thông Lạc quét dọn sân
  • Thầy Thông Lạc giảng đạo cho các Phật tử
  • Bên Thầy Thông Lạc học đạo
  • Thầy Thông Lạc đang ngồi tĩnh tọa
  • Thầy Thông Lạc
  • Thầy Thông Lạc đi khất thực
  • Thầy Thông Lạc đang ngồi tĩnh tọa
  • Thầy Thông Lạc trả lời tâm thư Phật tử
  • Thầy Thông Lạc đi khất thực
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy "Thân Hành Niệm" cho các Phật tử
  • Am thất
  • Tổ đường Tuyết Sơn
  • Thầy Thông Lạc
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy "Thân Hành Niệm" cho các Phật tử
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy cho các tu sinh
  • Tranh đức Phật
  • Thầy Thông Lạc vấn đáp đạo cho các Phật tử
  • Bên Thầy Thông Lạc học đạo
  • Thầy Thông Lạc đi khất thực
  • Thầy Thông Lạc lai lâm tổ đường
  • Thầy Thông Lạc tại Hòn Sơn Thánh Tích
  • Thầy Thông Lạc viết sách
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy "Thân Hành Niệm" cho các Phật tử
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy tu sĩ
In bài này

1.- NHỮNG PHÁP CẦN TU; 2.- SINH HOẠT TẬP THỂ; 2.- TẨM LIỆM; 3.- LỄ VU LAN

Lượt xem: 3028

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích HĐONCH, TG, 2011, tổng hợp nhiều trang)
link sách: HĐONCH

1.- NHỮNG PHÁP CẦN TU

Hỏi: Con tu Ðịnh niệm hơi thở nhiếp tâm và an trú 30 phút, tiếp đến tu tập 30 phút tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Thưa Thầy, cả hai pháp môn này thời gian là một tiếng. Khi con tu tập như vậy thì thân tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, con có thể kéo dài thời gian hơn 1 tiếng có được không?

Ðáp: Ðược, càng kéo dài thời gian tâm bất động càng tốt, nhưng chỉ có một niệm duy nhất là không còn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự nữa. Nếu có bất cứ một niệm nào khác khởi lên là các con không chấp nhận, phải tác ý đuổi ngay liền.

Các con phải nhớ: chỉ có Tâm bất động vô lậu, đó là niệm duy nhất mà các con cần phải giữ gìn và bảo vệ, nó là chân lí của đạo Phật. Chân lí của đạo Phật không có hai, ba chân lí, mà chỉ có một chân lí tâm bất động vô lậu này mà thôi. Nếu còn có những chân lí khác là của ngoại đạo, các con cần lưu ý đừng dễ tin người khác. Thầy chỉ ước mong sao các con hiểu rõ cách thức tu tập xả tâm để chứng được tâm vô lậu, để được giải thoát hoàn toàn, để làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi, để không phụơn Phật, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn Thầy và ơn đàn na thí chủ.

@@@

Hỏi: Vào buổi khuya, khi con vào tu tập Ðịnh niệm hơi thở an trú trong 30 phút, sau đó con an trú tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, từ 1 đến 2 giờ rồi đến 3 giờ, có lúc đến 4 giờ sáng tâm con mới khởi niệm, nhưng tâm vẫn tỉnh táo và sáng suốt. Kính thưa Thầy, con cứ để cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự như vậy, không cần chuyển sang tu pháp khác, hay con cần phải xả ra để tu tập sang pháp khác? Con chờ mong Thầy chỉ dạy.

Ðáp: Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, nếu các con tu tập tâm ở trong trạng thái này mà kéo dài thời gian sáu giờ cho đến một ngày đêm, và từ một ngày đêm cho đến bảy ngày đêm là con đã chứng đạo A La Hán hoàn toàn. Ðạo Phật chỉ có tu tập giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, nhờ đó tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo. Các con có hiểu chưa? Các con đừng nghĩ rằng chứng đạo của đạo Phật là vĩ đại, là cao siêu huyền bí, là thần thông phép lực vô tận, vô biên, v.v... Không phải vậy đâu các con ạ! Tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo các con ạ!

@@@

Hỏi: Con xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp như: ngũ triền cái, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và các pháp quán tư duy thân, thọ, tâm, pháp, thân ngũ uẩn đều vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, v.v... Các pháp trên con đã tu tập một thời gian dài, thân tâm được an ổn, các chướng ngại trong tâm được giảm đi rất nhiều, đến nay con không còn tu tập các pháp đó nữa, con đã chuyển sang tu tập pháp quán trên thân quán thân trong bốn oai nghi, mỗi oai nghi con tu tập thời gian 10 phút rồi lại chuyển sang oai nghi khác. Ngoài ra con còn tận dụng kết hợp xả tâm ly dục ly ác pháp trong mọi thời gian trống. Kính thưa Thầy, con tu tập và xả tâm như vậy có được không?.

Ðáp: Con tu tập pháp quán xả tâm ly dục ly ác pháp như vậy rất đúng, không sai, rồi con tiếp tục tu tập quán thân trên thân theo Tứ Niệm Xứ trong bốn oai nghi để bảo vệ và giữ gìn tâm mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Con tu tập như vậy không sai, hãy cố gắng tiếp tục đểgiữ tâm bất động được kéo dài đến khi chứng đạo mới thôi. Con đường tu theo đạo Phật bắt đầu ly dục, ly ác pháp trên pháp môn Tứ Chánh Cần, rồi kế tiếp ly dục, ly ác pháp vi tế trên pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Như vậy con đã tu tập đúng theo lộ trình của đạo Phật. Con đừng sợ lạc đường, chỉ còn có thời gian đạt bảy ngày đêm tâm bất động vô lậu là đến nơi đến chốn con ạ! “Ðường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Con đường tu tập cũng vậy các con ạ! Phật pháp không khó vì tu tập với những pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, mà khó vì lòng người không bền chí, kiên trì tu tập với pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ.

Cho nên lộ trình tu tập của Phật giáo từ thấp đến cao, từ giới đến định cụ thể rõ ràng. Vậy mà có người không hiểu, nghe nói thiền định là ôm ngay tu tập định, mà không chịu khó suy tư cho chín chắn trình độ mình đang ở lớp tu tập nào? Ðừng vội vàng ham tu định mà tự đưa mình vào con đường rối loạn thần kinh, trở thành điên khùng thật là tội nghiệp. Các sư Nam Tông tu hành chưa làm chủ sinh tử mà dám đem pháp môn Tứ Niệm Xứ kiến giải của họ dạy người khác tu tập. Đó là những người điếc không sợ súng, những người mù mà làm hướng đạo viên thì làm sao đến nơi đến chốn.

@@@

Hỏi: Kính thưa Thầy! Qua thời gian Thầy chỉ dạy cho Tăng đoàn đọc và học mười giới Sa Di cũng đã xong. Con kính xin Thầy chỉ dạy thêm cho các con để các con thực hiện đúng theo chương trình đào tạo và giáo dục của Thầy, để các con được vững vàng hơn trên bước đường tu học. Xin đội ơn và kính lễ Thầy!

Ðáp: Các con đã học hết bộ sách “VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG” chưa? Nếu chưa thì các con hãy tiếp tục học, vì nó là bộ sách giới luật từ 5 giới của người cư sĩ, 10 giới Sa Di đến 250 giới tỳ kheo tăng và 348 giới tỳ kheo ni.

Trong bộ sách này dạy đủ oai nghi tế hạnh, và mỗi giới có:

1. Giới đức

2. Giới hạnh

3. Giới hành

Ðể Thầy về kiểm tra và xem xét về giới luật đức hạnh của các con, nếu giữ gìn giới luật nghiêm túc, oai nghi tế hạnh đầy đủ thì được chuyển vào lớp tu học Tứ Niệm Xứ trên tứ niệm xứ.

@@@

Hỏi: Tu sinh chúng con vừa tu tập vừa nghiên cứu và sử dụng thêm vi tính thì có ảnh hưởng xấu hay trở ngại gì cho sự tu tập không? Thời gian để sử dụng vi tính hợp lý nhất là trong những lúc nào? Xin Thầy chỉ dạy để chúng con có sự nhận định được minh bạch hơn.

Ðáp: Tu sinh vừa học tập vừa nghiên cứu và sử dụng máy vi tính không có ảnh hưởng xấu mà có lợi ích sau này. Nhưng thời gian phải có qui định, mỗi tuần lễ học vi tính mấy ngày và vào giờ nào, chứ không phải giờ nào ngày nào cũng ôm máy vi tính. Ở tu viện có giờ học tập giới luật đạo đức, có giờ tu tập xả tâm, có giờ nghiên cứu vi tính, có giờ lao tác, v.v... Giờ nào phải làm việc và học tập theo giờ đó, chứ không được giờ này làm và học tập việc khác thì không được. Giờ giấc phải theo thời khóa tu học rõ ràng, chứ không phải giờ nào cũng ôm máy vi tính thì tu viện không chấp nhận.

Người tu sĩ khi làm công việc này chưa xong mà hết giờ thì nghỉ ngay liền, chứ không được làm leo qua giờ khác, vì làm leo qua giờ khác như vậy là tập thành thói quen làm việc và học tập không có thứ tự. Người học tập và làm việc như vậy không bao giờ thành công trong công việc lớn. Những việc này cũng là sự tu học để xây dựng cho mình có một lối sống nghiêm chỉnh giờ khắc, và biết quý trọng thời gian học tập cùng việc làm của mình có trật tự.

@@@

Hỏi: Kính thưa Thầy, làm sao và dựa vào đâu để con nhận biết được mình trên những hành động, khẩu, ý có đức sáng suốt (minh mẫn) hay không có đức sáng suốt?

Ðáp: Trường hợp để nhận ra đức Sáng Suốt của mình không khó. Chỉ khi nào con giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự từ một giờ đến một ngày đêm, thì ÐỨC SÁNG SUỐT của con sẽ thấy rõ ràng. Lúc bấy giờ con rất thông minh, tâm con vừa bình tĩnh trước mọi ác pháp và nhất là tất cả các cảm thọ tác động đến thân con, con chẳng còn một chút nào sợ hãi.

Ðức sáng suốt có được là do từ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, ngoài trạng thái tâm này thì không bao giờ có đức sáng suốt.

Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là tâm VÔ LẬU. Tâm VÔ LẬU là cứu cánh niết bàn, là trạng thái của người tu chứngquả A La Hán. Vì tâm này không còn bị năm màn ngăn che (ngũ triền cái): THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI, nên nó rất sáng suốt vô cùng. Trên đời này không có một vật gì che khuất nó được, người xấu nó cũng biết, người tốt nó cũng biết; người ác nó cũng biết, người hiền nó cũng biết. Nhưng có một điều nó không nói động chạm đến ai, ai làm sao nó cũng tùy thuận mà không hề sợ hãi bất cứ một việc gì. Tâm vô lậu là một tâm không còn dính mắc một vật gì trong thế gian này, nên nó rất tuyệt vời trong cuộc sống, nó không còn bị nô lệ cho một thứ dục lạc nào trên cõi đời này. Cho nên nó không bị những vật chất dục lạc thế gian lôi cuốn và cám dỗ, hoàn toàn tâm bất động.

@@@

Hỏi: Có trường hợp nào khi hành giả tu tập không trải qua các giai đoạn tưởng như trên đã kể, mà nhập đựơc các định và hướng thẳng đến Tam Minh không? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ.

Ðáp: Tu tập giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, hằng ngày sống đúng những oai nghi chánh hạnh, ăn uống tiết độ, không phi thời, thường đi kinh hành nhưng lại xả tâm theo pháp Tứ Chánh Cần, thường ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, luôn luôn giữ gìn tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự. Những người tu tập đúng như vậy thì không bao giờ nhập các định tưởng và bị các pháp tưởng. Họ sẽ thực hiện đúng tâm vô lậu và đầy đủ Tam Minh. Còn nếu họ không giữ gìn giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh, không phòng hộ sáu căn thì dù họ có tu tập pháp nào thì họ cũng rơi vào các pháp tưởng, nhất là nhập vào tưởng pháp thì dễ, và cũng dễ nhận ra người bị tưởng pháp vì họ nói nhiều.

@@@

Hỏi: Nếu hành giả khi tu tập để ý quan sát phòng hộ tâm, không để các niệm nào xen vào; thay đổi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi liên tục để thân không bị cảm thọ tác động. Trong trạng thái này nếu hành giả trú suốt 12 tiếng không niệm, thì có nhập thẳng vào Tứ thiền hướng tới Tam Minh được không? Hay phải lần lượt trải qua các giai đoạn nhập Sơ thiền đến Tứ thiền rồi mới hướng Tam Minh? Xin thầy chỉ rõ chỗ này cho con được hiểu.

Ðáp: Hầu hết mọi người hiểu biết về thiền định của Phật giáo như những người mù rờ voi. Vì thế, khi nói tu thiền thì cứ nhắm mắt đi vào ngồi thiền nhiếp tâm cho hết vọng niệm, chứ họ đâu biết rằng: khi muốn tu thiền thì tu tập phòng hộ sáu căn, luôn luôn giữ gìn những oai nghi chánh hạnh, không hề để vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, và từng giây từng phút phải tu tập pháp Tứ Chánh Cần ngăn ác diệt ác pháp trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi liên tục trong suốt ngày này sang ngày khác, mà không có một niệm hôn trầm, thùy miên, vô ký, một niệm vọng tưởng, và tất cả cảm thọ không xen vào thì đó là trạng thái bất động thân và tâm. Ðó là trạng thái tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự, đó là trạng thái chân lý của Phật giáo, là Niết bàn. Bởi vậy, Tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự là tâm VÔ LẬU. Tâm VÔ LẬU này được kéo dài 7 ngày đêm thì tâm có đủ TỨ THẦN TÚC. Khi tâm có đủ TỨ THẦN TÚC thì muốn nhập định nào thì thân tâm đều nhập ngay định ấy, chứ không phải cần nhập theo thứ tự Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền rồi Tứ thiền. Người nào sống được trên tâm VÔ LẬU là người đã chứng quả A La Hán. Người chứng quả A La Hán là có đầy đủ Tam Minh, Lục Thông, là người giải thoát hoàn toàn, không bị nhân quả chi phối thân tâm. Vì vậy người ấy mới làm chủ được thân tâm, muốn sống, muốn chết đều tự tại.

Người tu đúng pháp của Phật, nơi tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự đã có đủ Tam Minh và Lục Thông, không cần phải nhập vào Sơ thiền, Nhị thiền rồi Tam thiền đến Tứ thiền, và cũng không cần nhập Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

@@@

Hỏi: Thực hiện chánh niệm tỉnh giác là vấn đề quan trọng của người tu sĩ Phật giáo. Thế mà ở một số chùa có hàng tăng trẻ đá bóng, mấy cô ni cổ vũ, ăn uống vui cười cho là giải trí lợi ích sức khoẻ? Những hành động này người tu sĩ Chơn Như sẽ trọn đời không phạm phải, phải không thưa Thầy?

Ðáp: Ðúng vậy tu sĩ tu viện Chơn Như không bao giờ vi phạm vào những oai nghi phi phạm hạnh này. Từ nay về sau mỗi tu sĩ và cư sĩ trong tu viện Chơn Như hằng ngày phải lo tập luyện chánh niệm tỉnh giác, nhất là đức hiếu sinh cẩn thận phải lập thành những hành động hàng đầu trong cuộc sống của người tu sĩ. Phải luôn sống với đức hạnh này, không nên để vi phạm những lỗi nhỏ nhặt như giẫm đạp lên các loài chúng sinh, làm cho chúng chết, thật là tội nghiệp vô cùng. Ðó là một giới luật mà người tu sĩ cần phải lưu ý tu tập để không còn vi phạm nữa.

Trong những giới luật quan trọng có GIỚI ÐỨC PHÒNG HỘ SÁU CĂN. Giới phòng hộ sáu căn rất quan trọng trong việc tu hành chứng đạo, nếu ai vi phạm giới này thì tu hành chỉ phí công vô ích. Trong tu viện người nào không giữ hạnh độc cư là người không phòng hộ sáu căn. Tội không phòng hộ sáu căn là tội rất nặng, phá hạnh tu tập của mình và của mọi người. Người phá hạnh độc cư ba lần trong tăng, ni đoàn, nam, nữ cư sĩ đoàn thì lập biên bản mời ra khỏi đoàn. Vì những người này dù có để ở trong tu viện cũng không tu tập đến đâu cả. Ðây là một giới luật quan trọng trong đời tu hành, xin quý vị lưu ý để tránh những sai lầm mà phí cả một đời tu tập.

@@@

Hỏi: Làm sao nhận thức được ý thức tưởng và sắc tưởng?

Ðáp: Rất dễ, khi đang ngồi tu tập tâm bất động bỗng có một niệm khởi ra nghĩ nhớ cha mẹ đã đi Mỹ, chỉ còn anh chị ở lại Việt Nam. Cái suy nghĩ đó gọi là Ý THỨC TƯỞNG. Thường con người hay sống trong ý thức tưởng nhiều nhất. Ngồi đây tư duy suy nghĩ nhớ lại người này, người khác là Ý THỨC TƯỞNG.

Ngồi đây mà thấy trước mắt hiện ra hình dáng người, ánh sáng, cảnh giới này, cảnh giới khác, đó là SẮC TƯỞNG.

Khi tu hành xả tâm thì tất cả niệm đều đẩy lui ra khỏi tâm, chỉ có một niệm không đẩy lui, đó là niệm TÂM BẤT ÐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ.

@@@

2.- SINH HOẠT TẬP THỂ

Hỏi: Thưa Thầy, ngày sinh hoạt hằng tuần của Tăng đoàn là nhằm mục đích gì và sinh hoạt theo nội dung nào để đạt chất lượng tốt nhất?

Ðáp: Theo Thầy biết, hằng tuần bên phái khất sĩ Việt Nam có một ngày sinh hoạt, ngày ấy gọi là ngày “CÚNG HỘI”, ngày ấy Phật tử câu hội về tịnh xá đông đảo, làm một bữa cơm chay thịnh soạn cúng dường trai tăng các sư, và cũng ngày ấy là ngày các sư thuyết giảng kinh cho Phật tử nghe.

Mục đích của ngày CÚNG HỘI này là ngày thuyết pháp của các sư, chứ không phải là ngày sinh hoạt đoàn, nhưng các sư tập trung lại nhiều sư để tạo buổi thuyết giảng long trọng, đó là cách thức tạo lòng tin cho tín đồ.

Mỗi tuần lấy ngày CÚNG HỘI mà sinh hoạt Tăng đoàn là không đúng nghĩa. Vậy các con nên bỏ ngày cúng hội này, để lo tu tập xả tâm trong thất thì có lợi ích cho các con nhiều hơn. Mỗi tháng Tăng đoàn chỉ có sinh hoạt hai ngày tập hợp, ngày 15 và ngày 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) để phát lồ sám hối, ăn năn sửa những lỗi lầm. Ðó là tập hợp có mục đích thiết thực cụ thể, đem lại lợi ích cho mình cho người, và sự tu học ngày càng tiến bộ hơn.

Tu viện hôm nay có sự thay đổi rất lớn, vì có tăng đoàn Chơn Như ra đời. Tuy vậy cho đến nay đoàn viên của Tăng đoàn giới luật đức hạnh chưa nghiêm chỉnh, người mới người cũ ra vào như đi chợ, ai muốn đi đâu thì đi, chẳng cần xin phép, vì thế kỷ cương chưa có do Tăng đoàn chưa có tổ chức hoàn thiện.

Hôm nay phải chấn chỉnh lại: Các thầy dự thính (những tu sĩ mới vào) không được tham gia sinh hoạt trong Tăng đoàn. Những tu sĩ mới vào tu tập thì nên cho ở riêng khu chứ không được ở chung trong khu Tăng đoàn.

Những tu sĩ mới vào tu viện được hướng dẫn tu tập bốn pháp:

1. Ðịnh Niệm Hơi Thở

2. Ðịnh Vô Lậu

3. Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác

4. Ðịnh Thư Giãn (Ðịnh Sáng Suốt)

Và chỉ dạy học tập phương cách sống đúng giới luật đức hạnh trong Thanh qui của tu viện. Khi giới luật đức hạnh không còn vi phạm và bốn pháp định tu tập thuần thục và có đủ năm người thì cho thành lập Tăng đoàn II. Mỗi Tăng đoàn có năm người lãnh đạo đoàn:

1. Trưởng đoàn

2. Phó đoàn

3. Giám luật đoàn

4. Giảng viên đoàn

5. Thư ký đoàn

Nếu số người chưa đủ năm thì chưa thành một Tăng đoàn. Số lượng người trong Tăng đoàn ít nhất là năm người và nhiều nhất là 20 người, vì số người ít thì việc kiểm tra và quản chúng dễ dàng và kỹ lưỡng, và sự tuhọc của mọi người trong Tăng đoàn dễ dàng tiến bộ. Còn số lượng đông, đa dạng khó quản lý và kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Mục đích thành lập Tăng đoàn ở đây là tạo thành một tập thể, một nhóm người để chứng đạt chân lý, nên Tăng đoàn có số lượng ít người dễ sách tấn khích lệ nhau đồng sửa sai để tiến tới chứng đạo.

Nếu dưới năm người, Tăng đoàn chưa thành lập được, những tu sĩ này được hướng dẫn tu học bốn loại định và sống đúng theo Thanh qui như đã nói trên, chừng nào các tu sĩ này thuần thục và có đủ năm người thì mới cho thành lập Tăng đoàn thứ II, chứ không cho các tu sĩ này nhập vào Tăng đoàn thứ I vì Tăng đoàn thứ I đã đi vào nề nếp chuyên tu, đã bước qua những giai đoạn thử thách để tiến đến giai đoạn tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác trên Tứ Niệm Xứ. Vì thế, không thể để cho những tu sĩ mới này vào Tăng đoàn I làm xáo trộn sự tu tập của Tăng đoàn I.

@@@

Hỏi: Ngày 15 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) mỗi tháng là ngày thỉnh nguyện phát lồ sám hối lúc 7 giờ sáng thì quý thầy có thể cạo tóc trước vào chiều hoặc tối ngày 14 và 29 (hay 28 nếu là tháng thiếu) thì có phạm giới không? Hay là phải đợi sáng ngày 15 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) mới cạo tóc?Con kính xin Thầy chỉ dạy để các con thực hiện mà không phạm giới.

Ðáp: Trước ngày thỉnh nguyện, tức là trong ngày 14 và 29 (hay 28 nếu là tháng thiếu) sẽ lo cạo tóc, chứ không phải đợi vào ngày 15 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) mới cạo tóc. Cạo tóc rồi còn phải tắm rửa sạch sẽ để sáng ngày 15 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) làm lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối cho đúng pháp. Cho nên, cạo tóc vào ngày 14 và 29 (hay 28 nếu là tháng thiếu) không có phạm giới gì cả.

Thường trong các chùa Ðại thừa tu sĩ cạo tóc vào ngày 14 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu), vì buổi tối ngày 14 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) mới tụng kinh Hồng Danh, lạy sám hối. Ðó là sám hối theo kiểu tha lực, đọc danh hiệu Phật và lạy là sẽ tiêu tai giải tội theo tưởng giải của Ðại thừa. Chúng ta sinh hoạt theo kiểu tự giác tự nguyện thỉnh nguyện phát lồ sám hối, để tự sửa lỗi lầm của mình. Vậy các con từ nay về sau cạo tóc trước ngày phát lồ sám hối, tức là vào ngày 14 và 29 (hay 28 nếu là tháng thiếu), không cạo tóc theo các ngày của Ðại thừa nữa.

Chúng ta tu hành theo Phật giáo là phải làm đúng theo lời Phật dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi...”,đừng cho rằng cạo tóc vào ngày khác là phạm giới, đừng theo thói quen chỉ cạo tóc vào ngày 15 và 30 (hay 29 nếu là tháng thiếu) theo Đại thừa.

Chúng ta nên tổ chức sinh hoạt như thế nào cho tiện lợi và mang ý nghĩa thâm sâu, ghi ấn tượng trong ngày phát lồ thỉnh nguyện sám hối, khi chúng ta cố gắng khắc phục mình, sửa sai những lỗi lầm để ngày ngày càng tiến bước trên đường giải thoát mà làm gương hạnh tốt cho mọi người soi.

@@@

Hỏi: Con kính xin Thầy chỉ dạy, Tăng đoàn, Ni đoàn hay Cư sĩ đoàn số lượng đông hơn chục người, có dịp đi từ nơi này đến nơi khác. Vậy vấn đề giao thông trên đường như thế nào?

Ðáp: Khi tăng đoàn, ni đoàn đi từ chỗ này sang chỗ khác đều do sự tổ chức trong Ban tổ chức. Ban tổ chức sẽ lo liệu xe cộ đưa từ vị trí này đến vị trí khác, mà tăng đoàn hay ni đoàn không phải bận tâm. Ðến đâu đều có chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi và chỗ tu tập hẳn hoi, nghĩa là mỗi người đều có một thất riêng biệt.

Ở đây, tăng đoàn và ni đoàn là một tổ chức tập thể của tu viện Chơn Như, vì thế tăng đoàn hay ni đoàn di chuyển đến đâu đều theo sự chỉ định của tu viện Chơn Như, cho nên chỗ ăn, chỗ ở và chỗ tu tập cũng đều giống như tu viện Chơn Như cả.

@@@

Hỏi: Ði trên đường phố, các trục lộ, băng qua đường, xin quá giang xe một lần hơn chục người thì rất khó. Hơn nữa là khi lỡ đi đến thành phố mà đến giờ thọ trai, vấn đề tìm nơi thọ trai yên tĩnh như vườn cây thì rất hiếm và xa, như vậy Tăng đoàn và Ni đoàn có thể ngồi dưới gốc cây trên vỉa hè thọ trai có được không, hay phải làm như thế nào?

Ðáp: Ðó là con chưa biết cách tổ chức một tập thể nên suy nghĩ theo cá nhân. Một tập thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác đều có sự hướng dẫn rõ ràng và cụ thể, chỗ nào ăn, chỗ nào ở, chỗ nào nghỉ chân. Còn nếu đi đường xa thì Ban tổ chức sắp xếp đến giờ ăn uống trên xe hoặc tìm nơi khu rừng có bóng mát gần đường. Tăng đoàn không bao giờ đi lang thang rong chơi ngoài đường phố như con nghĩ.

@@@

3.- TẨM LIỆM MA CHAY

Hỏi: Ðược đọc qua cách thức tẩm liệm ma chay mà Thầy đã dạy, con có chỗ hoài nghi là tại sao phải dùng trà khô rải đều dưới đáy áo quan? Nó có tác dụng gì, nếu trường hợp xa chợ thì có thể làm cách khác được không?

Ðáp: Trà là một loại lá cây có mùi vị dễ chịu, có tính chất sát trùng, ngừa được mọi thứ bệnh tật. Vì thế, con người thường dùng nấu nước để uống và ngừa phòng các bệnh.

Trà dùng đãi khách trong khi giao tiếp đàm đạo rất thanh lịch, khiến mọi người ưa thích.

Như trên đã nói, trà là một thứ lá cây được phơi khô. Lá cây phơi khô có tính chất hút nước và hút hơi độc, vì thế khi có người chết dùng trà tẩm liệm là để hút nước và hơitrong cơ thể người chết xông ra. Tẩm liệm bằng trà là để ngăn ngừa bệnh tật cho những người còn sống, khi quan tài chưa chôn. Thường những người thân trong gia đình luôn luôn trực tiếp bên quan tài người chết. Vả lại, mùi hương của trà sẽ đánh át và khử trùng mùi hôi thối của cơ thể con người đã chết xông ra.

Tẩm liệm cách khác đều được, đó là người ta lấy mạt cưa cây gỗ, tro bếp khô hay vỏ trấu lúa, cùng rơm rạ, v.v... đều đem tẩm liệm được. Nhưng đó là những gia đình quá nghèo, vì những chất tẩm liệm này không có tính chất khử trùng như trà, chỉ có hút nước mà thôi.

@@@

Hỏi: Một vấn đề khác, người chết là nam thì vải bên trái phủ trước, còn người nữ thì bên phải phủ trước. Tại sao lại có những điều khác lạ như vậy? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Ðáp: Các con có thấy thân người nữ và thân người nam có khác nhau không? Do có khác nhau đó mà sự tẩm liệm cũng phải có khác nhau, vì đó là thể hiện đúng luật nhân quả âm dương (Nam, Nữ). Một người không thông hiểu nghĩa lý qui luật nhân quả âm dương thì làm mọi việc theo cái hiểu biết nông cạn, thì làm sai, cũng giống như người lạy lễ không hiểu nghĩa lý lạy lễ thì lạy sai. Lạy sai không biết cũng giống như con vượn quỳ lạy làm xiệc vậy. Cho nên một người có đạo đức văn hóa, có sự hiểu biết sâu rộng thì phải rành luật nhân quả âm dương, vì thế nam TẢ, nữ HỮU phân minh rõ ràng, người có trí hiểu biết không  dám chê trách. Còn làm mà không thông nghĩa lý đạo đức nhân quả âm dương, người ta sẽ cho rằng đó là những người thiếu văn hoá đạo đức, thiếu kiến thức học rộng hiểu xa về cuộc sống, những người như vậy chỉ là những cháu bé thơ ngây chưa biết gì.

@@@

4.- LỄ VU LAN

Hỏi: Thắng hội Vu Lan, lễ tự tứ đã trở thành một truyền thống của Ðại thừa vào ngày 15-7 ÂL, sau mùa an cư hằng năm. Vấn đề này đức Phật có dạy không thưa Thầy?

Ðáp: Kinh sách Ðại thừa không phải kinh sách của Phật thuyết, do các tổ tưởng giải biên soạn viết ra. “VU LAN BỒN KINH” là kinh sách báo hiếu của Ðại thừa.

Các con cứ suy ngẫm lời Phật dạy và các tổ dạy khác nhau như một trời, một vực. Phật dạy tự lực, còn các tổ dạy tha lực. Kinh Ðại thừa là kinh tha lực thì làm sao nói Phật thuyết được. Các con có nhận thấy điều này không?

Kinh Vu Lan Bồn lấy ngày ra hạ của chưtăng, sau ba tháng an cư tu hành nên công đức tu hành của chư tăng lớn lắm. Lấy ngày ra hạ của chư tăng làm lễ trai tăng cúng dường, để báo hiếu cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Nhờ công đức tu hành của chư tăng hợp lại thành một sức mạnh mở tất cả các cửa địa ngục và độ tất cả vong linh của những phật tử làm lễ trai tăng được siêu thăng, thoát khỏi địa ngục. Kinh dạy như vậy không phải tổ dạy sao? Còn Phật dạy như thế nào? Như trên đã nói, Phật dạy tựlực, không nhờ vào công đức của ai cả: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”. Qua lời dạy này, con đường tu hành của Phật và Tổ khác nhau: Phật thì tự lực, còn Tổ thì tha lực. So sánh như vậy các con biết rõ lễ Vu Lan Bồn không phải Phật dạy, và ngày báo hiếu 15 tháng 7 âm lịch chính là các Tổ đặt ra, rồi dán nhãn hiệu Phật. Những điều không đúng trong đạo Phật ngày nay rất nhiều, vì các Tổ thêm thắt vào khiến cho những người đời sau gần như không còn ai biết đạo Phật chân chánh là dạy như thế nào. Các Tổ đã khéo léo phủ lên giáo lý của Phật bằng chiếc áo Ðại thừa, thì còn ai biết gì về đạo Phật nữa.

Đang có 50 khách và không thành viên đang online

Lượt xem
451
Các bài viết
1441
Số lần xem các bài viết
8818945