1.- THIỀN MINH SÁT TUỆ; 2.- THIẾU KINH NGHIỆM; 3.- THEO PHẬT GIÁO
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 10, TG.2011, tr. 53-54; 99-104; 147-148)
link sách: ĐVXP, tập 10
1.- THIỀN MINH SÁT TUỆ
Hỏi: Kính thưa Thầy! trước kia con có tập tu với thầy Nhất Hạnh, và sau đó có tập tu Tiểu Thừa Tứ Niệm Xứ do các sư Miến Ðiện chỉ dạy.
Ðề mục chính là theo dõi phồng xẹp ở bụng. Con vừa mới hơi quen, thì nay con đổi sang theo hơi thở gió ra vào ở nhân trung. Con có thể giữ theo phồng xẹp được không?
Ðáp: Ðược, nhưng con phải biết áp dụng cho đúng phương pháp hơi thở của đức Phật, phồng xẹp là sự hoạt động của cơ bụng do sự hít thở. Sự tập trung vào cơ bụng là ức chế tâm chứ không có nghĩa là xả tâm. Con nên lưu ý Thiền Minh Sát Tuệ đức Phật không có dạy, nếu theo dõi hơi thở và chỉ có biết cơ bụng phồng xẹp thì đó là ức chế tâm, con nên tránh nó sẽ đưa con vào thiền tưởng, một loại thiền không có lợi ích gì cho thân tâm. Nếu có tu tập con nên luôn luôn phải dùng pháp dẫn tâm vào chỗ ly tham đoạn ác pháp, có như vậy con mới khắc phục được tâm tham ưu của mình, mới thấy được tâm hồn thanh thản, an lạc của con, còn nếu chỉ thấy có sự phồng xẹp tĩnh lặng và các trạng thái của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng xuất hiện thì đó là con đã tu sai rồi, phải mau mau trở về với hơi thở, nương vào hơi thở mà tu tập 19 đề mục hơi thở như Phật dạy.
Phồng xẹp là một phương pháp của thiền Minh Sát do các sư Nam Tông Miến Ðiện tưởng giải ra pháp môn này dùng để ức chế tâm triển khai tưởng tuệ mà các sư gọi là Minh Sát.
Khi dùng nó con phải thiện xảo và khéo léo luôn luôn phải dùng pháp như lý tác ý theo động tác phồng xẹp thì mới có hiệu quả xả tâm.
2.- THIẾU KINH NGHIỆM TU HÀNH THÌ KHÔNG HIỂU NGHĨA KINH
Hỏi: Kính bạch Thầy! Hiện có nhiều học giả nên cũng có nhiều sự giải thích khác nhau, đôi khi trái ngược, về các khái niệm:
1- Về ba uẩn: Tưởng, hành và thức, kính mong Thầy giải thích và cho ví dụ để con hiểu rõ hơn.
2- Tại sao trong kinh “Ðáng Ðược Ăn” Tương Ưng III, trang 161 dạy: Tưởng chỉ là sự nhận rõ các màu sắc. Thức chỉ là sự rõ biết các vị chua đắng ngọt cay...?
3- Thế nào là Tầm? Thế nào là Tứ? Xin Thầy cho ví dụ.
Ðáp: Trong Thân ngũ uẩn có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Trong câu hỏi của con chỉ hỏi tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, mà không có hỏi sắc uẩn và thọ uẩn.
Người ta không nhận ra trong thân ngũ uẩn có ba cái thức làm việc, ba cái thức đó có tên là:
1/ Sắc thức, gồm có sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức, hoạt động và cảm nhận tức là hành uẩn và thọ uẩn, lúc con người đang tỉnh thức và làm việc qua sắc uẩn.
2/ Tưởng thức hoạt động và cảm nhận (hành uẩn và thọ uẩn) qua tưởng uẩn trong giấc ngủ (chiêm bao).
3/ Thức thức hay còn gọi là tâm thức hoạt động và cảm nhận (hành uẩn và thọ uẩn) qua thức uẩn. Muốn cho tâm thức hoạt động và cảm nhận thì phải nhập xong bốn thiền: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Trong khi nhập xong Tứ Thiền thì sắc thức và tưởng thức đã ngưng nghỉ nhường chỗ cho tâm thức hoạt động, vì thế lúc bấy giờ Tam Minh chúng ta mới thực hiện được. Nếu sắc thức và tưởng thức chưa ngưng nghỉ thì tâm thức không bao giờ hoạt động được và vì vậy sự tu hành của ngoại đạo chưa bao giờ thực hiện được Tam minh.
Còn hành uẩn và thọ uẩn là những sự hoạt động và cảm nhận của ba thức này mà thôi.
Trên đây nhiệm vụ của năm uẩn hoạt động trong thân ngũ uẩn, tức là sự hoạt động của một con người có tu tập theo đường lối của đạo Phật nhập bốn thiền và thực hiện Tam Minh. Còn người chưa tu tập bốn thiền và Tam Minh thì tâm thức của họ đang nghỉ ngơi chưa hoạt động.
Ðọc trong Kinh Song Tầm đức Phật đã xác định nghĩa của Tầm là sự suy tư (tầm thiện và tầm ác tức là suy tư thiện và ác).
Ðọc trong Kinh An Trú Tầm, Ðức Phật đã xác định nghĩa của Tứ là sự tác ý (tác ý một tướng khác của một tướng kia).
Ðọc lại bài Kinh Ðáng Ðược Ăn: “Này các Tỳ kheo, những Sa Môn hay Bà la môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến một trong những thủ uẩn”. Như vậy, bài kinh này đức Phật đã dạy chúng ta về quán tưởng để tu tập năm thủ uẩn, để thấy rõ năm thủ uẩn vô thường, khổ, vô ngã mà không tham đắm và không dính mắc.
Ở đây con hỏi: Tưởng biết rõ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v... và thức rõ biết vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng, v.v... như vậy có đúng không?
Như đoạn kinh trên Thầy đã trích ra để xác minh đức Phật dạy chúng ta đang quán tưởng, nghĩa là chúng ta đang dùng tưởng thức để tư duy. Nếu có một vật trước mắt dùng để quan sát thì đó là ý thức quan sát, còn ở đây đức Phật dạy nhớ lại quá khứ, vậy nhớ lại quá khứ một sắc tướng, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị, cảm giác lạc, khổ, bất lạc, bất khổ, v.v… đó không phải là tưởng thức quán sát sao? Tưởng thức quán sát câu hữu với nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.
Bởi mầu sắc chúng ta nhận được xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, cam, v.v... đều do tưởng của chúng ta đặt ra để ý thức chúng ta tiếp nhận xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, cam, v.v...
Ví dụ: mầu đỏ là do tưởng của chúng ta tưởng mầu đỏ rồi từ đó ý thức chúng ta nhận thấy màu đỏ, nếu trước kia tưởng của chúng ta tưởng mầu đỏ là mầu xanh thì bấy giờ ý thức của chúng ta cũng cho nó màu xanh. Do đó, đức Phật dạy: “Tưởng chỉ là sự nhận rõ các màu sắc”. Ðúng vậy chỉ có tưởng mới nhận ra mầu sắc. Hôm nay tất cả những mầu sắc đều do tưởng nhận rõ các mầu sắc.
“Và này các tỳ kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết bằng tưởng câu hữu với vị thức đắng, cay, ngọt, mặn, v.v...”. Bởi, bài kinh này đức Phật dạy quán về thân ngũ uẩn ở quá khứ, chứ không phải quán thân ngũ uẩn ở hiện tại nên phải dùng tưởng câu hữu với lục thức thì mới đúng nghĩa của bài kinh. Ở đây do dịch giả dịch không đúng nghĩa vì dịch giả không phải là hành giả hoặc về sau những nhà học giả kết tập kinh sách thiếu kinh nghiệm tu hành nên dùng chữ không chính xác, khiến cho người đời sau đọc khó hiểu, chỉ có những bậc có kinh nghiệm trên đường tu tập mới xác định được nghĩa lý này.
Cho nên, mầu sắc do tưởng nhận ra đức Phật đã xác định rất đúng và thức nhận biết ra mùi vị cay, đắng, ngọt, bùi, chua chát, mặn, lạt, v.v... thì không còn chỗ nào là sai cả.
3.- THEO PHẬT GIÁO, TU CÁC PHÁP MÔN PHẢI LUÔN LUÔN KẾT HỢP
Hỏi: Kính bạch Thầy! Khi nào cần kết hợp các định với nhau, khi nào chỉ tu tập một loại định mà thôi?
Ðáp: Theo như lời đức Phật đã dạy: “Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thì có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần thời có sự kiện tâm vịấy đi đến trạo cử. Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ Kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vịấy không chân chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng nếu tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyễn, kham nhậm, chói sáng, không bẻ vụn, chân chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc”.
Trên đây Ðức Phật dạy kết hợp ba pháp môn trong một thời tu
1/ Tỉnh thức (Thân Hành Niệm Nội và Ngoại, tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác Ðịnh và Ðịnh Niệm Hơi Thở).
2/ Tứ Chánh Cần.
3/ Ðịnh Vô Lậu.
Lời dạy này chúng ta ghi nhớ: Phật pháp không thể tu riêng một pháp môn nào. Khi tu hành phải biết kết hợp chặt chẽ pháp này với pháp kia, lúc thì định tỉnh, lúc thì quán tư duy vô lậu, lúc thì ngăn diệt mạnh mẽ. Có tu tập đúng như vậy tâm mới nhu nhuyễn, dễ sử dụng.