
LUẬT NHÂN QUẢ & MỤC TIÊU VÔ NGÃ- KIM CHỈ NAM CỦA SỰ TU TẬP
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
Nguồn: fk Chánh Pháp
Làm sao để biết đâu thực sự là CHÁNH PHÁP giữa một rừng tông phái khác biệt. Câu trả lời đó là ta cần dựa vào 2 tiêu chuẩn: LUẬT NHÂN QUẢ & MỤC TIÊU VÔ NGÃ.
Nếu đúng là CHÁNH PHÁP thì luôn bám chặt 2 tiêu chuẩn này. Nếu là TÀ KIẾN thì lách qua lách lại chút thế nào cũng rơi ra khỏi 2 tiêu chuẩn này.
Tà đạo thì thích hứa hẹn tu mau chứng, bỏ công ra ít mà ban phúc rất nhiều, trong khi việc tu hành là của nhiều kiếp không thể tính thời gian được. Chúng ta cố gắng nổ lực tu tập, tinh tấn tu tập nhưng không ham mau chứng, quan trong nhất là đi đúng chánh pháp mà thôi. Tà đạo hay khiến người ta đề cao bản thân đến mức kiêu ngạo, mà khi kiêu ngạo nổi lên cũng có nghĩa là việc tu hành đổ vỡ, bản ngã tăng trưởng...
Đường lối chung của đạo Phật trước hết là Luật Nhân Quả, người đến chùa phải tin và hiểu Luật Nhân Quả trước để làm chánh kiến, đừng rời xa điều này, đây là căn bản. Khi bước sâu vào việc tu tập mà nếu không dựa theo Luật Nhân Quả thì ta càng tu càng tổn phước. Còn nếu đường lối tu tập của ta luôn luôn dựa chắc trên Luật Nhân Quả thì càng bước tới công đức càng lớn dần. Vì vậy một khi ta đã xác định cuộc đời mình phải đến chùa tu tập do mình chưa được gì nhiều thì khi chọn chùa đến tu, ta nhớ để ý đến Luật Nhân Quả. Nơi chùa nào mà thường nhắc đến Luật Nhân Quả thì chùa đó ẩn chứa một chánh kiến lớn, nơi đó được Chư thiên, quỹ thần yêu mến, ta đi không sợ sai.
Chúng ta phải thường được trao dồi sự tin hiểu về Luật Nhân Quả, bởi vì trong vũ trụ có nhiều quy luật chi phối con người nhưng Luật Nhân Quả là cốt lõi, là nền tảng, là sự xuyên suốt. Luật Nhân Quả ấn định khi ta gieo nhân gì ta sẽ gặt được quả đó, ai cũng biết cả nhưng mà ta phải hiểu Luật Nhân Quả cho sâu tới tận trong tâm niệm nho nhỏ của mình.
Điều tiếp theo đó là Vô ngã là đỉnh cao trong trí tuệ của Phật giáo, nếu tu mà không hướng về vô ngã là ta lạc ra ngoại đạo.
Trong lịch sử giáo hóa của Đức Phật, lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật giảng ba bài pháp quan trọng là Trung Đạo – Tứ Diệu Đế – Vô Ngã Tướng. Chính bài pháp Vô Ngã Tướng này đã giúp năm anh em Kiều Trần Như lần lượt chứng được quả A La Hán. Nghĩa là bài Vô Ngã Tướng rất quan trọng. Nếu chúng ta xem bài Tứ Diệu Đế là tuyên ngôn của Phật Giáo, bao trùm hết Giáo lý Đạo Phật thì bài Vô Ngã Tướng đưa người ta đến đỉnh cao chứng ngộ, đắc đạo.
Nên trong Đạo Phật, mục tiêu Vô Ngã là mục tiêu quan trọng, Giáo lý Vô Ngã là Giáo lý tối thượng, mà tu gì thì tu, phải chứng cho được Vô Ngã mới là xong việc của mình. Nếu nói tu pháp môn nào bất kỳ mà không hướng đến Vô Ngã thì may ra, chỉ vừa đặt bước chân đến bậc thềm ngôi nhà Vô Ngã mà thôi.
Vì vậy, dù tu Pháp môn nào nhưng tất cả những người đệ tử Phật phải lấy "Vô ngã" làm nơi hướng về. Pháp môn nào đáp ứng được điều này thì ta chấp nhận Pháp môn đó là chân chính trong đạo Phật. Còn như ta tu một Pháp môn mà cứ mỗi ngày bản ngã lớn dần thì xem như ta đi sai đường của Phật dạy, cũng tức là ta đang tụt dốc, bị đẩy xuống địa ngục. Ở đây, đối với vị thầy dạy đạo chúng ta rất biết ân nhưng ta vẫn là chủ nhân của cuộc đời mình, vì vậy phải cẩn thận với đường lối tu tập. Sai một li đi một dặm, nhưng trong sự tu tập thì khi đã sai dù chỉ một li thì mất luôn ngàn kiếp tu hành, mãi chìm đắm trong vô minh và tà kiến.
Vì thế là người con Phật chúng ta phải luôn khắc ghi rằng: LUẬT NHÂN QUẢ và MỤC TIÊU VÔ NGÃ là 2 tiêu chuẩn bất di bất dịch trong việc tu tập tìm được chánh pháp Phật.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Sept. 9, 2015 at 10:45