
PHẬT BẢO CỦA CHÚNG CON - SAMON GOTAMA!
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
Quốc Lê
Kính các bạn, ít lâu trước mình có viết bài Tăng Bảo Xưa Và Nay, có hứa sẽ viết tiếp về Phật bảo, nên hôm nay mình xin mạo muội, chia sẻ đến các bạn cách cảm nhận của mình về Phật bảo, mình nhấn mạnh từ "cảm nhận" chứ không phải định nghĩa hay khái niệm, để phật tử chúng ta dễ dàng đồng cảm và nắm bắt với nhau hơn. Như những lần trước, đây chỉ là sự trãi nghiệm và học tập của riêng bản thân mình, bài viết trong vội vàng nên không khỏi thừa sót, mong các bạn thông cảm hoan hỷ cùng nhau chia sẻ nhiệt tình trong chánh niệm, chánh tư duy, và chánh tri kiến.
Trước thực trạng hiện nay không riêng gì Phật bảo mà cả Tam Bảo đều trở nên mờ nhạt, và dần đi vào bóng tối bởi lòng tham dục của chúng hữu tình rẻ khinh, mình có biết một số bạn là phật tử cứ luôn mồm nói về Phật bảo, nhưng khi hỏi Phật bảo bạn hiểu như nào? Thì trong sự im lặng giây lát suy nghĩ, câu trả lời nhận được là rất nhiều Phật, như Phật A-Di-Đà, Phật Dược Sư, v.v... trong tam thiên đại thiên có vô số, hằng sa cõi chư Phật, Bắc truyền còn có cả kinh vạn Phật, nói về danh hiệu của 1000 vị Phật trong hiền kiếp.
Tuy nhiên mình thì lại có cách nghĩ khác, mình chỉ công nhận Phật Thích Ca Mâu Ni, đại Samon Gotama, vị Phật có thật trong lịch sử nhân lọai, là Phật bảo.
Theo nhiều kinh sách ghi lại, một vị bồ tát chủ quản cung trời Đâu Suất sau khi quán hết nhân duyên, quyết định giáng sanh, thọ thai vào bụng của hoàng Hậu Ma-Da (Mayadevi), đứa bé sinh ra với 32 tướng Đại nhân, được dự đoán sẽ thành Chuyển luân thánh vương hoặc Chánh đẳng giác, sinh ra trong cung vàng, điện ngọc, được xem là báu vật của vua Tịnh-Phạn (Śuddhodana), tuy còn bé thơ nhưng thông minh hơn người, lòng bi mẫn đã có tự khi nào, rồi thái tử lớn lên với dáng vóc khôi ngô, giỏi võ lẫn văn, là cánh tay đắt lực của vua cha, từ nông nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, xã hội đến giáo dục, v.v... Sống và trưởng dưỡng trong ngũ dục sung mãn, tràn ngập,... Tưởng chừng đã bị cuốn trôi theo dục lạc, thế nhưng với trí tuệ vô lậu đã có từ vô lượng kiếp tầm tu tìm pháp, đã giúp thái tử sớm nhận ra sự thật của cuộc đời - Đau khổ, đang là thái tử, với quyền lực trong tay, vua cha yêu mến, vợ hiền, con thơ vừa ra đời, v.v... Ngài ý thức rõ những thứ này chỉ là giả tạm, ngài và tất cả mọi người rồi cũng sẽ già, với cơ thể hư hoại, run rẩy, khó khăn lăn lóc vượt qua những tháng ngày mòn mỏi, để đón chờ một căn bệnh nào đó dày vò thân này trong bất lực tận cùng của nỗi đau, cuối cùng là cái chết buốc lạnh sẽ tới, cơ thể bất động, tan rã, đôi mắt xanh trở nên vô hồn, lơ đảng, v.v... điều đó không chỉ đến với ta, mà còn đến với phụ vương ta, đến với vợ ta, đến với đứa con đang nằm cựa quậy trong nôi kia, và tất cả, tất cả thần dân, chúng sanh ngoài ấy, cơn lũ vô thường sẽ lấy đi tất cả, rồi ta sẽ đứng nhìn trong tuyệt vọng, và uất nghẹn, nhìn mọi thứ đi vào hủy diệt, thế mà giờ ta còn chìm đắm trong nhục dục, tham đắm vào những thứ vô nghĩa, rồi ta sẽ hạnh phúc được bao lâu? Một ngày? Hai ngày? Một tháng? Một năm? Một trăm năm? Và rồi sau đó ... Trái tim đang đập mỗi lúc một nhanh, nhanh hơn, đây là sự thật? Nó sẽ xảy ra? Ta phải làm điều gì đó vào lúc này để hấm dứt điều đó mãi về sau, ta có trách nhiệm với chính bản thân và tất cả những ai đang cần ta bảo vệ, dù có tài giỏi đến đâu, có trở thành chuyển luân thánh vương như dự đoán, thì ta có thể cho họ những gì? Nỗi sợ hãy đang dần chiếm lấy? Nó thúc dục Ngài phải có một quyết định, một quyết định từ bỏ để có được sự giải thoát? Hay là từ bỏ rồi cam chịu? Cuối cùng với sự nhận thức về KHỔ như thế, thái tử đã bầm gan, đứt ruột mà từ bỏ cha già, từ bỏ vợ, từ bỏ ánh mắt con thơ, ngây dại ... mà cắt tóc xuất gia, sống không gia đình, dù chưa biết trước con đường phía trước sẽ như thế nào, với Ngài thì chỉ cần biết cuộc đời đầy khổ ải thì đã đủ, đã là lý do quá thuyết phục để ra đi, như một người mất trí nhớ, vừa mới lấy lại được ký ức, có cái gì đó vừa lóe sáng, vừa bế tắt, ta sẽ ra đi, ra đi trong đem tối, bầu trời đêm đen mịt, cũng như con đường trước mắt mà ngày phải đi, nhưng nó có thật rộng lớn, có những cơn gió thoảng qua lành lạnh, cỏ dưới chân chắc cũng bắt đầu đẫm hơi sương, lần đầu tiên thái tử sống một mình, sống không có kẻ hầu, ta nay ta sẽ độc hành, tuy con không phải là Ngài, nhưng...nếu là con...con chắc rằng đầu óc con sẽ rối bời, có chút tự hào, cảm giác có cái gì đó là mốc quyết định đối với cuộc đời mình đang xảy ra, xen lẫn chút lo lắng, bi ai - Bước đầu Ngài đã tự giải thoát mình khỏi lầu cao, mỹ thực, hầu nữ, nhục dục tầm thường. Phật kể:
"Và Ta, này Vương tử, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Alara Kalama ở, khi đến xong liền thưa với Alara Kalama: 'Hiền giả Kalama, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này' " (Kinh Vương tử Bồ-đề)
Với nhiều vị đạo sư như thế, thái tử tu tập tinh cần, chuyên tâm và chứng được quả vị tối cao của giới luật ấy, các tầng thiền vô sắc, hữu sắc, thế nhưng, với nhân xuất gia là KHỔ, Ngài tự nhìn lại và quán xét:
"Này Vương tử, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Như vậy, này Vương tử, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi." (Kinh Vương tử - Bồ đề).
Thái tử không từ bỏ tất cả để tìm cầu bất cứ sự an lạc nào, không tìm cầu bất cứ sự hưởng thụ tinh thần nào khác, không tìm cầu bất cứ danh vọng trong quần chúng nào, mà chỉ cần giải thoát, khát khao giải thoát... Chẳng có con đường nào mà ngày chưa từng đi qua, để cố gắng cho kỳ được mục đích ấy:
"Này Sāriputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất." (Đại kinh sư tử hống)
"Này Sāriputta, rồi Ta bò bốn chân đến các chuồng bò, khi các con bò cái đã bỏ đi, khi các người chăn bò không có mặt,[1] rồi Ta ăn phân các con bò con, các con bò còn trẻ, các con bò còn bú. Khi nước tiểu và phân của Ta còn tồn tại, Ta tự nuôi sống với các loại ấy. Này Sāriputta, như vậy là hạnh đại bất tịnh thực của Ta.
Này Sāriputta, Ta đi sâu vào một khu rừng rậm rạp kinh hoàng và an trú tại chỗ ấy. Này Sāriputta, tại khu rừng rậm rạp kinh hoàng này, những ai còn tham ái đi vào khu rừng rậm rạp ấy, thời lông tóc người ấy dựng ngược. Này Sāriputta, rồi Ta trong những đêm đông lạnh lẽo, giữa những ngày mồng tám, khi có tuyết rơi, trong những đêm như vậy, Ta sống giữa trời, và ban ngày sống trong khu rừng rậm rạp. Ta sống trong những ngày cuối tháng hè, ban ngày thì sống giữa trời, còn ban đêm trong khu rừng rậm rạp. Rồi này Sāriputta, những bài kệ kỳ diệu từ trước chưa từng được nghe sau đây được khởi lên:
Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh,
Cô độc sống trong rừng kinh hoàng,
Trần truồng, Ta ngồi không lửa ấm,
Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.
Này Sāriputta, Ta nằm ngủ trong bãi tha ma, dựa trên một bộ xương. Này Sāriputta, những đứa mục đồng đến gần Ta, khạc nhổ trên Ta, tiểu tiện trên Ta, rắc bụi trên Ta và lấy que đâm vào lỗ tai. Này Sāriputta, và Ta biết Ta không khởi ác tâm đối với chúng. Này Sāriputta, như vậy là hạnh trú xả của Ta. Này Sāriputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: “Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn.” Họ nói: “Chúng ta sống nhờ trái táo,” và họ ăn trái táo, họ ăn bột táo, họ uống nước trái táo dưới nhiều hình thức. Này Sāriputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một trái táo. Này Sāriputta, có thể các Người nghĩ như sau: “Trái táo thời ấy to lớn.” Này Sāriputta, chớ có hiểu như vậy. Vì trái táo thời ấy giống với trái táo hiện tại. Này Sāriputta, trong khi Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu.
Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sāriputta, nếu Ta nghĩ: “Ta hãy sờ da bụng,” thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy sờ xương sống,” thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sāriputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sāriputta, nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện,” thì Ta ngã quỵ úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. (Đại kinh sư tử hống)
Vô lượng kiếp luân hồi,
Mỏi mòn tìm giáo lý,
Nào khổ hạnh, yểm ly,
Nào độc cư, bần uế,
Đường nào thiếu dấu chân?,
Sư tử vàng kiêu hãnh,
Xứng đáng được chắp tay,
Là ruộng phước trời người
(Quốc Lê).
Thế rồi, với tuệ giác vô nhiễm, rạng ngời, trong sáng như pha lê, Siddhattha Gotama thấy rõ gốc nguồn căn cội của mọi khổ đau, phiền não là vô minh và ái dục. Nó tạo ra tất thảy thế gian sinh tử. Ngài quyết định tự bước trên đôi chân của mình, vì sao ta phải tận diệt thân thể này, ngũ uẩn đồng sinh, một lần nữa Ngài có quyết định mạnh mẽ, chống lại con đường khổ hạnh mà bao thế hệ Bà-la-môn, đã và đang đi, với quyết tâm không thành đạo không rời khỏi cội Bồ đề (Assattha),
"Và này Vương tử, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại", Ngài nhập sơ thiền, tiếp tục nhập vào nhị thiền, rồi tam thiền, và cuối cùng là tứ thiền, với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, ngày dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, và Lậu tận minh, khi sao mai vừa mới mọc, sao mai tuy nhỏ bé giữa bầu trời đêm, nhưng với ánh sáng của nó cũng phần nào làm màn đêm khiếp sợ, còn Phật với ánh sáng trí tuệ, đã xé tan bóng tối vô minh từ vô lượng kiếp, giây phút trọng đại của Tam Giới chính là đây. Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn ra đời, thật hy hữu thay, Phật dựng đứng lại những gì bị quật ngã xuống, vạch ra những gì bị ngăn che, đem đèn vào đêm tối, làm cho thiên giới sung mãn, A-tu-la giới đoạn diệt, rồi trên thế gian sẽ xuất hiện những vị A-la-hán chói sáng giống Ngài.
Người và thiên giới cùng mở hội,
Tung hoa, trỗi nhạc mừng chánh giác,
Khác chi đất hạn gặp mưa rào,
Xưa nay quằn quại trong đau khổ,
Giờ được xoa dịu bởi pháp âm,
Bậc đại từ vì con thí Pháp.
(Quốc Lê)
Và rồi với trí tuệ siêu thắng, Ngài đáng lẽ có thể nhập diệt tại chỗ, thế nhưng có biết đâu trong tâm Ngài đã tính toán trước con đường truyền đạo, Ngài sẽ có bốn chúng đệ tử, tăng đoàn, giới luật, rồi kể cả thuyết pháp cho tầng lớp vua chúa như thế nào để Pháp của mình lưu truyền lâu nhất, v.v..
"Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo, Tỷ-Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu"
"-- Ta, bậc Thắng tất cả,
Ta, bậc Nhất thiết Trí.
Hết thảy pháp, không nhiễm,
Hết thảy pháp, xả ly.
Ta sống chân giải thoát,
Ðoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác,
Còn phải y chỉ ai?
Ta không có Ðạo Sư,
Bậc như Ta không có.
Giữa thế giới Nhơn, Thiên,
Không có ai bằng Ta.
Bậc Ứng Cúng trên đời,
Bậc Ðạo Sư vô thượng.
Tự mình Chánh Ðẳng Giác,
Ta an tịnh, thanh thoát.
Ðể chuyển bánh xe Pháp.
Ta đến thành Kàsi.
Gióng lên trống bất tử,
Trong thế giới mù lòa."
(Đại kinh sư tử hống).
Và rồi bậc đạo sư chuyển pháp luân, từ nay ở đời có ba ngôi báu của Tam Bảo - Phật, Pháp, tăng ...
Trong suốt 45 năm ròng rã, Như lai, bậc A-la-hán, chánh đẳng giác sống không tỳ vết, lãnh đạo tăng đoàn với 1250 vị, một con người vỹ đại, sống giữa cuộc đời nhỏ bé, hàng ngày vẫn âm thầm lê từng bước chân đến từng ngôi làng nhỏ, ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, dõng mãnh lật lại những gì bị che đậy, những gì từ lâu đã nằm sâu trong bóng tối, đem đèn soi chiếu mọi ngõ ngách của tập khổ. Ngài quật ngã sự thọ dụng cúng dường của giai cấp Bà-la-môn từ lâu đã trở thành tuyền thống, vì thế không tránh khỏi bị thù ghét, căm tức, chúng lập ra muôn vàn tai nạn, mưu kế để diệt trừ đấng đại giác. Nguy hiểm trùng trùng. Thị giả Anan khóc tầm tã vì Phật bị khổ ách khi truyền đạo, bị ném đá vào đầu chảy máu, bị ám toán, bị vu oan, v.v... Các bạn không thể tưởng tượng, ngay hiện tại đây Ấn Độ vẫn còn phân biệt giai cấp cực kỳ nặng nề, việc giết người ở Ấn Độ chỉ là chuyện bình thường, rất ít ai quan tâm, huống chi thời đại cách đây hơn 2500 năm. NHƯNG "Này Ananda, những chúng sanh ở đó... cần ta...", câu nói từ tốn, làm cảm động nhân thiên, chứa đựng sự bi mẫn chẳng có ngôn từ nào diễn tả nổi, chúng sanh có phải là quyến thuộc? Có phải là ân nhân? Hay Ngài có trách nhiệm với chúng sanh? Mà phải ... làm như thế. Cho dù có nguy hiểm gì, với chướng ngại nào, Thế tôn của chúng ta, cùng với các vị thánh đệ tử vẫn không chùn bước, mỗi người đi mỗi hướng, không đi chung đường mà nhân rộng giáo lý, lặng lẽ mà cống hiến hết tâm lực cho đời, cho đạo, đức độ thánh hạnh, thể hiện qua tâm từ vô lượng của các ngày làm cho những phật tử đời sau chúng con phải rơi nước mắt, dù những gì còn sót lại chỉ là một vài bài kinh, nhưng cũng đủ để chúng con thấy được phần nào nhân cách của các vị, tuy nhỏ nhưng cũng đã quá vỹ đại giữa biển trời tham dục, thật ấm áp biết bao, như được tắm mình trong ánh trăng vàng đêm Vesak, chúng con được nương tựa vào lời dạy của Thế tôn, được biết đến cuộc sống của Thế tôn qua từng trang sách ố vàng màu của thời gian, còn sót lại trong từng viên gạch vỡ, "Như vầy tôi nghe, một thời thế tôn trú tại Savathi...Thế tôn đắp y, cầm bát...", giọng đọc êm ái không chậm, cũng không nhanh lan tỏa giữa đêm khuya, ôi... một thời xa xa lắm, có những con người, không vướng bụi trần, tham, sân, si như cơn mưa bất lực vào những lá sen xanh, con muốn được đảnh lễ dưới đôi chân trần đầy bụi đường xa của Thế tôn, của các vị thánh đệ tử (đã vắng bặt thời nay rồi), tìm đạo đã khó, tu đạo càng khó, thành đạo rồi, Thế tôn còn vì thương tưởng cho đời mà tình nguyện trụ thế, không nỡ nhìn đàn con thơ dại đắm chìm trong biển lửa, mà cứ ngỡ mình đang được tắm mát giữa trưa hè. Với Phật nhãn thuần tịnh, siêu nhân, với tâm đi vào tâm chúng sanh, Ngài không để sót một hạt giống bồ đề nào, dù cho họ có thuộc giai cấp chi,... Một thái tử thuộc giai cấp Sát đế lỵ, lại có được một trái tim bình đẳng như thế..., chúng sanh - chúng ta cùng đau khổ, chúng sanh - chỉ là 5 uẩn dính chấp, chúng sanh - máu cùng đỏ, chúng sanh - ngươi cũng như ta...cùng trôi lăn với hạnh nghiệp của chính mình...
Mặc dù lãnh đạo tăng đoàn suốt 45 năm, đào tạo ra những vị thánh, trí tuệ sáng ngời như ánh sao mai, nhưng chưa bao giờ Thế tôn xem mình là người lãnh đạo, và tăng đoàn phải chịu sự lãnh đạo của Thế tôn, tất cả chỉ là cùng nhau dìu dắt mà vượt qua biển khổ, chỉ có giới luật và giáo pháp làm thầy, thế tôn chỉ cho chúng ta một tài sản quý giá nhất của Ngày, cỗ xe tối thắng - Tứ thánh đế.
Các hành là vô thường, các hành là khổ, các pháp là vô ngã, dù có yêu quý, kính trọng Thế tôn đến đâu, thì cũng đến lúc chúng ta phải chứng kiến cảnh Thế tôn nhập diệt, phải, chúng ta còn mong mỏi gì ở người:
"Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy)"
Và ... tin bậc đạo sư sẽ diệt độ được loan truyền...
Đã bốn mươi lăm năm truyền pháp, thân đạo sư nay như cỗ xe cũ kỹ, cần phải liên tục sửa chữa, đã đến lúc tam thiên, đại thiên cúi đầu, đưa tiễn người đi, đại địa rung chuyển vì sự kiện hãi hùng, hai cây sala đêm nay cũng nở hoa thơm ngát, không biết vì chào đón bậc chánh giác, hay vì vẫy chào bậc đạo sư, đã đến lúc Thế tôn được "nghỉ ngơi", tịnh tĩnh, tịch diệt, siêu xuất tam giới, bất động giải thoát:
"8. Rồi Thế Tôn nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô Sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt thọ tưởng định.
Khi ấy tôn giả Ananda nói với tôn giả Anuruddha:
- Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ.
- Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn chưa diệt độ. Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.
9. Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất thức Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ.
10. Khi Thế Tôn diệt độ, cùng với sự diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, râu tóc dựng ngược, sấm trời vang động.
Khi Thế Tôn diệt độ, Phạm thiên Sahampati, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:
Chúng sanh ở trên đời,
Từ bỏ thân ngũ uẩn
Bậc đạo sư cũng vậy,
Đấng Tuyệt luân trên đời.
Bậc Đại hùng Giác ngộ
Như Lai đã diệt độ.
Khi Thế Tôn diệt độ, Thiên chủ Sakka, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:
Các hành là vô thường,
Có sanh phải có diệt
Đã sanh, chúng phải diệt,
Nhiếp chúng là an lạc.
Khi Thế Tôn diệt độ, tôn giả Anuruddha, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:
Không phải thở ra vào
Chính tâm trú chánh định
Không tham ái tịch tịnh
Tu sĩ hướng diệt độ
Chính tâm tịnh bất động
Nhẫn chịu mọi cảm thọ
Như đèn sáng bị tắt
Tâm giải thoát hoàn toàn.
Khi Thế Tôn diệt độ, tôn giả Ananda, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:
Thật kinh khủng bàng hoàng,
Thật râu tóc dựng ngược,
Khi Bậc Toàn thiện năng,
Bậc Giác ngộ nhập diệt"
(KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN - HT THÍCH MINH CHÂU DỊCH VIỆT)
Thế tôn đã nhập diệt, đạo sư đã nhập diệt, bậc chánh đẳng giác đã nhập diệt, bậc đại A-la-hán nhấp diệt, rồi đây thế gian sẽ trống rỗng, chỉ còn lại chút nhụy vàng của "bông hoa Chánh Đẳng Giác".
"Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác." (Đại bát niết bàn)
Đức Phật đã sống một cuộc đời như thế, một sự thật hùng hồn như thế, thế nhưng đâu có biết khi Ngài mới vừa ra đi chưa bao lâu, thì những đứa con mang tiếng là theo Phật nhưng thực chất là ngoại đạo, tự chế ra những kinh sách không phải do Ngài nói, đầu tiên chúng hạ thấp Tăng bảo, tôn Bồ tát bảo lên đầu (Đại thừa), đồng thời len lỏi giáo lý của Bà la môn vào Pháp giải thoát: Chú cát tường - Chú của đạo thờ lửa, chú Đại bi, v.v.. là chú thuật của bà la môn, Bồ tát tay xách nách mang vũ khí, ngàn đầu, ngàn tay, mất vũ khí, mất một đầu là vô dụng? Tướng ngồi phóng dật, oai nghi chẳng có, nào là Tây phương tam thánh - nào ngờ đều là các vị thần của Bà la môn đổi tên, thuyết luân hồi tịnh hóa (luân hồi lâu năm sẽ được thanh tịnh của Bà la môn) trở thành thuyết a tăng kỳ thành Phật của Đại Thừa, con của Phật chỉ biết cầu cúng, đọc chú, um trời, vang đất, quên mất mục đích mình đến với chân lý của Phật, đến vì khổ, khi nào hết khổ thì viên mãn, đòi thành Phật làm cái gì, khi mà không biết Phật đắc cái gì mà thành Phật:
CHÁNH ĐẲNG GIÁC
"4) Này các Tỷ-kheo, do như thật chánh giác bốn Thánh đế này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ", một cố gắng cần phải làm để rõ biết "đây là khổ tập", một cố gắng cần phải làm để rõ biết " đây là khổ diệt", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". (S.v,433)
Đoạn kinh trên là để cho vui hay tham dục đã làm mờ mắt, mà các bạn, các thầy lại cho răng Tứ Thánh Đế là thanh văn tiểu thừa, vậy hóa ra Phật Thích Ca Mâu Ni tu pháp tiểu thừa mà thành Chánh Đẳng Giác? Bà la môn khéo dùng phước để dụ dỗ chúng sanh, vẽ ra hàng ngàn vị Phật, ở đâu đâu, xa lạ, rồi cho rằng vị này sống ở cõi này, vị kia sống ở cõi kia, ai muốn về cõi nước vị nào thì nguyện về, pháp giải thoát hay Búp-phê nhà hàng? Hàng tháng, hàng tuần còn niệm hồng danh xám hối, xem phim Tây Du Ký thấy Đấu Chiến Thắng Phật cũng đưa vô niệm, Nam mô hoa mỹ Phật, Nam mô phước đức Phật, Nam mô tham dục Phật, v.v... biết có cái tên thôi, chứ có biết lai lịch gì đâu, trong khi Phật Thích Ca sờ sờ ra đó, có thật đó, không ai nhớ tới, lý do? Phật kia từ bi kêu tên có phước, Phật Thích Ca chán quá, tối ngày tu Giới cụ túc, Định cụ túc, Tuệ cụ túc, sao tu nổi! Tu theo Đại Thừa giả dối, nguyện cho rộng lớn, ai nguyện không được? Có thấy ai làm được gì đâu, hay nói suông cho nó vĩ đại? Tam bảo quý báu sao không có Bồ tát bảo, trong khi Tăng bảo là tiểu thừa? Mang tiếng là Đại Thừa mà đội Thần của Bà la môn lên đầu, đội Pháp của Bà la môn lên đầu, tam tông, bát giáo gom vô một câu A-Di-Đà, trên đời này có cái lý gì vậy không? Theo Phật, nhờ phước Phật được hưởng chút tàn thực, không biết kính trọng Tam bảo, mà còn ngông nghênh quay lại đục khoét thân sư tử, bị lòng tham làm chủ, làm Tam bảo trở nên mờ nhạt, lụi tàn, còn lại gì? Chỉ là cái tên không hơn không kém! Mật tông thì biến Phật trở thành kẻ giả dối, chỉ là hóa thân của Đại Nhật Như Lai gì đó, giả khổ hạnh suýt bỏ mạng, giả bỏ vợ bỏ con, giả cầu đạo, giả chuyển pháp luân, giả nhập niết bàn, còn Tịnh độ thì biến Phật trở thành kẻ môi giới, Phật Thích Ca ra đời chỉ để hướng dẫn chúng sanh về Tây Phương !!!
Trường bộ Nikaya, trích kinh Ba Lê
"....Chó rừng nhìn tự thân
Tự nghĩ là sư tử
Nó sủa tiếng chó rừng
Loại chó rừng đê tiện
Chó rừng sủa là ai?
Ai rống tiếng sư tử
Cũng vậy này hiền giả Patikaputta, hiền giả sống dựa trên uy tín của bậc Thiện Thệ, ăn uống đồ tàn thực của Thiện Thệ, thế mà nghĩ có thể trịch thượng đối với các bậc Như Lai, A la hán, Chánh Đẳng Giác. Này Patikaputta đê tiện là ai mà có thể trịch thượng đối với các bậc Như Lai, A la hán, Chánh Đẳng Giác."
Chùa chiềng thì thờ Bồ tát xanh, đỏ, vàng, tím, đủ hình thù kỳ dị, cầm trượng cầm kiếm, gọi là Pháp khí!!!? Khái niệm Pháp khí ở đâu ra? Nếu chỉ là tượng trưng? Thì cầu cúng xin xỏ làm gì? Các thầy, các bạn "chấp" vào cái hình tượng ấy làm gì? Đại thừa lật đổ tam bảo, lủng như cái rỗ! đừng có ai nhắc đến hai chữ "Đại thừa" trước mặt con!
Mình xin mượn bài Cảm bạt của sư Giới Đức để kết bài:
"Viết xong cuộc đời ngài
Tôi bần thần, dã dượi
Sinh lực tổn hao
Như thân cây không còn nhựa luyện
Như sức ngựa đường dài
Hoàn tất cuộc lữ trình lên đến đỉnh đồi cao
Ôi! Tôi đã chạy đuổi chiêm bao
Muốn vói bắt mảnh trăng trời nguyên thuỷ
Tôi đã gục khóc
Trên từng viên gạch vỡ
Nơi những dấu tích điêu tàn, hoang phế cổ xưa
Trên những di chỉ bia văn rêu phủ, gió lùa
Nơi điện đài còn trơ trầm hương tín mộ
Trên những trang kinh kiến sâu loang lổ
Lửa vô thường cháy xém chữ câu
Tôi đã đi theo từng đốm nắng không màu
Mong vẽ lại ánh triêu dương chánh pháp
Tôi bất lực đi qua nhiều hoang mạc
Khói bụi thời gian, phế tích tàn tro
Tôi đứng bên này sông hớt hãi gọi đò
Đồng vọng hai bờ, hư vô xào xạc
Bút mỏi
Tay run
Tứ cùn
Chữ nhạt
Cô liêu tháng ngày góc núi ánh trăng suông
Gió phủi qua song trăm chuyện vui buồn
Để từng hơi thở theo dấu chân Từ Phụ
Người đã như cánh chim thiêng tiêu dao du ngoài ba cõi
Rơi rớt nhụy vàng để lại thế gian hương
Vô tích, vô tăm sinh tử mộng thường
Vô khứ, vô lai - hiện thân tuyệt đối
Tôi cúi xuống
Nghe thức tri già cỗi
Chắp vá từng trang, thêu dệt một chân dung
Đất Ấn linh thiêng, lưu bóng đức Đại Hùng
Mỗi cọng cỏ vàng
Mỗi cành cây khô
Cũng trở nên thân thuộc
Dốc đá xám
Cổng rêu đen - dấu khói sương thuở trước
Cũng là hóa thân của sử lịch ngàn năm
Ôi từng đêm, từng đêm
Từng câu chữ âm thầm
Chợt hiện linh hồn biết vui, biết khổ
Biết hỷ hoan, biết suy tư, trăn trở
Biết lội ngược dòng tìm giọt nước nguồn xanh
Nó cũng biết chán chê dục vọng xây thành
Nhốt kín nhân tâm, bủa tròng nô lệ
Dấu lửng, dấu than hàng hàng kể lể
Nói với chúng sanh nguyên nhân khổ vì đâu
Tái hiện con sông, bắt những nhịp cầu
Bằng cọng lau mềm hôm qua sương đọng
Một thoáng tinh anh, một trời viễn mộng
Hiu hắt cõi miền cánh vạc vỗ tịch liêu
Tuyết đổ non cao, lạnh buốt chợ chiều
Nhân thế căm căm lối về vô định
Sống chết trầm kha, sinh luân lão bệnh
Ngơ ngác tầm cầu, bầy cú rúc thâu canh
Huyền sử đi đêm đội bóng lữ hành
Bên vực thẳm đốm lửa người leo lét
Tuyệt vọng
Gọi nhau
Hãi hùng
Bi thiết
Có ai nghe tiếng trống pháp còn vang
Bao lời kinh thiêng, ma quỷ bàng hoàng
Vọng ba cõi, xuyên sâu vào địa ngục
Địa ngục của lòng người
Địa ngục của thức tri tối tăm
Và của sân tham, ngu dốt
Đang đốt cháy bình nguyên, sông núi, ao hồ
Đốt cháy nương vườn, cổ tích, tuổi thơ
Nhân ái, nhân văn không còn ô-xy để thở
Đức lý tan hoang, phận người xiêu đổ
Lây lất đi về trong bóng vô minh
Vì đại bi mà đức Phật dặm trình
Suốt bốn mươi lăm năm đầu trần chân đất
Lộc Giả chuyển luân, tuyên ngôn sự thật
Độ năm thầy Kiều-trần-như, Thích tử đầu tiên
Rồi Yasa cùng năm mươi bốn thân hữu thiện hiền
Giáo hội ra đời gồm sáu mươi Như Lai sứ giả
Mỗi người hãy đi mỗi phương, đừng đi chung ngã
Vì an lạc, hạnh phúc cho nhân loại, chư thiên
Đập vỡ tín lý khắt khe, tín ngưỡng cổ truyền
Hạ bệ thượng đế, thần linh khói hương nghi ngút
Phá bỏ kỳ thị giai cấp, hàng rào tủi nhục
Mang thông điệp tự do, giải thoát cho đời
Tuệ quang minh chiếu tỏ trần khơi
Nguồn thánh thuỷ chảy tràn miền cỏ cây khô khát
Cái kiến, con sâu mừng vui rức hạt
Đất cỗi cằn nức nhựa uyên nguyên
Phố thị, làng quê, đền miếu, chợ triền
Quý tộc, nô tỳ uống chung bầu sữa pháp
Hoa nở
Chim reo
Rừng ca
Suối hát
Triệu triệu năm duyên phúc một lần
Triệu triệu tử sinh, đại ngộ sát-na tâm
Khoảnh khắc bất diệt
Vô lượng a-tăng-kỳ không bao giờ trở lại...
Lạy Phật
Bút của con cùng với văn chương ngu dại
Dám đặc tả đời ngài cùng với công hạnh trăng sao
Câu chữ phàm phu, cảm xúc tuôn trào
Theo dấu bụi mờ, nhặt sử kinh lưu lạc
Đốt trái tim làm đèn soi bờ giác
Khái niệm chất chồng, “đất thực” tuyết sương che
Hướng tâm sai là phiền não kết bè
Một niệm khởi trùng trùng duyên sanh khởi
Đã thấy rõ sự thật
Nhưng vẫn còn lầm lỗi
Bởi kiết sử sâu dày
Từ vô thức bước ra
Đã bao nhiêu năm
Lăng xăng đọc sách, uống trà
Làm chuyện thanh cao giảng kinh, dạy pháp
Viết truyện, làm thơ, triết văn uyên bác
Đại sự càng nhiều, bản ngã càng to
Vô tác, vô hành giảng nói hay ho
Vô cấu, vô vi cao ngôn thiện thuyết
Dao hai lưỡi ẩn sau “cái biết”
Đại dụng mơ hồ, chệch hướng vạn trùng mê
Chỉ hai nẻo thôi: Một phiền não, một bồ-đề
Đâu dám thõng tay mà ngao du giữa chợ
Nào khoác áo vị tha
Nào đóng trò cứu độ
Chốn ngũ trần đâu dễ gót thong dong
Tôi đã từng thấy
Viện lớn, tượng to bôi đỏ, phết hồng
Tín ngưỡng bán mua, thần linh đổi chác
Thiện tín chợ đông, trầm hương thơm ngát
Mặc cả thiệt hơn, lạy lục, cầu xin
Quán hàng bày ra, quảng cáo đức tin
Ma quỷ vỗ tay, ăn mừng mở tiệc
Chiêu phát triển, chiêu văn minh, hội nhập
Tiếp thị, tuyên truyền, kỷ lục thi đua
Bắc nam đông tây hí hửng tiền chùa
Xả rác bụi dục tham
Xả kiêu căng, hợm hĩnh
Ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm sử kinh
Đức Phật ngồi cao
Thương xót sinh linh
Tứ đế thắp đèn
Giữa đêm đen thảm nạn
“Sự sống đang là...”
Dành cho người mắt sáng
Tự thức, tự tri gậy chống lên đường
Tuệ giác tinh minh xóa lớp khói sương
Trả chân thực
Cho tự mình muôn thuở
Vọng tưởng, si mê
Không làm gì được nữa
Phiền não, khổ đau tự diệt, tự tan
“Thấy rõ” rồi mới biết sống đàng hoàng
Điều chỉnh đúng từng hành vi, cử chỉ
Mỗi niệm khởi không ở ngoài thiện mỹ
Mỗi tác duyên
Chân lý vận hành theo
Nặng nề vô cùng là bản ngã buộc đeo
Phải thấy chúng trong từng thức tri, cảm thọ
Mặt nạ “cái ta” đánh lừa bao độ
Giác ngộ thì “nguyên con” nhưng kiết sử phải đoạn dần
Thường trực lắng nghe như thực như chân
Thì phiền não không phan duyên dấy khởi
Niệm niệm bèo rong bập bềnh trôi nổi
Thả theo dòng
Nhìn ngắm đốm hoa xao
“Thấy pháp” rồi mới lên bến, chống sào
Mới tu tập nhẹ nhàng
Mới như thực kiến và tư duy chơn chánh
Nếu chưa thấy pháp
Dù nghiêm tu công hạnh
Cũng tựa như nấu sạn muốn thành cơm
Cũng tựa như dã tràng xe cát biển đông
Muốn nhặt bóng mình
Muốn lưu dấu huân tu
Giữa dòng cuồng lưu chảy xiết
Cát vỡ
Đá tan
Hư vô
Hủy diệt
Mộng trùng trùng
Ngộp chết giữa bờ mê
Quanh quẩn trả vay, nhân quả ê chề
Lượm phước báu nhân thiên
Ủi an đời bèo bọt
Thật sự giải thoát thì “không có ta-giải-thoát”
Tự không rỗng trong ngoài
Chẳng dính mắc tế vi
Gọi là người, là thánh, cứ tuỳ
Sát-na một, pháp thung dung tự tại
Đại dụng trong tay, nụ cười tiêu sái
Muôn việc như không, quyền biến như không
Và đến lúc này mới nói chuyện vào dòng
Pháp cứu độ cũng là duyên cứu độ
Tứ vô lượng tâm bèn tuỳ nghi dạo phố
Thăm xóm làng, bình bát xin ăn
Đến lúc này mới dám gọi sa-môn
Là Thích tử, là tỳ-khưu không thấy lòng hổ thẹn
Kính lạy Phật
Từ chân dung thánh điển
Nghĩa lý, chữ câu đã mã hóa không môn
Gần ba nghìn năm chẳng có lối mòn
Giác niệm là bước đi
Giác niệm là cõi về không khác
Trọn vẹn từng hơi thở
Trọn vẹn từng thức tri, buồn vui, khổ lạc
Cùng với bốn mùa mưa nắng, gió sương
Định luật tâm, định luật pháp thị thường
Nhật nguyệt, tinh hà cùng chung vận hoá
Li ti tế bào, diệt sinh vô ngã
Tất thảy đều chu toàn trong mỗi khắc phục sinh
Mỗi mỗi khí, thời, vận, số quân bình
Là vĩnh cửu đủ đầy trong từng vi trần dịch biến
Kính lạy Phật
Tự ngàn xưa hiển hiện
Đang ở trong con vô tận phút giây này
Pháp huy hoàng
Nhật nguyệt rạng trời mây
Soi bóng chữ
Qua sông
Hy vọng
Vẫn còn nguyên chân diện mục!"
Kính lạy Thế Tôn muôn đời
Là bậc Ứng Cúng Trời Người quy y
Chứng đắc quả Chánh Biến Tri
Tự Ngài giác ngộ, không thầy dạy cho
Kính tưởng Phật bảo!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật!