![tamthuphattu](/images/slideshow/tamthuphattu.jpg)
1.- NẾU CHÚNG SANH KHÔNG BỊ GIẾT THỊT, SẼ TRÀN NGẬP TRÁI ĐẤT; 2.- HÃY SỐNG ĐÚNG LUẬT NHÂN QUẢ.
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NPTCB, tập 1, TG. 2011, tr.58-60; tr. 198-200)
link sách: NPTCB, tập 1
1.- NẾU CHÚNG SANH KHÔNG BỊ GIẾT THỊT, SẼ TRÀN NGẬP TRÁI ĐẤT
Hỏi: Kính bạch Thầy, nếu con người không ăn thịt thì trên trái đất này gà, vịt, bò, chó, ngựa, cá, tôm, cua và tất cả loài động vật khác sẽ sinh sôi nẩy nở chật đất, nhất là gà, vịt, heo, dê, bò và ngựa, thì nhà cửa đất đai ở đâu chứa cho hết ?
Ðáp: Theo định luật nhân quả, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Khi người ta càng ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh lại càng sanh ra nhiều hơn nữa. Nếu người ta không ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh không sanh ra. Tại sao vậy?
Chúng có sanh ra là vì có sự sát hại và ăn thịt tàn nhẫn. Ðó là nhân ác, tức là hành động ác của chúng ta. Chính những hành động ác đó của chúng ta tạo ra nhân quả ác, và nghiệp lực ác này chiêu cảm khi chúng ta chết liền sanh ra tất cả loài chúng sanh để trả quả giết hại bằng cách để cho chúng sanh khác giết chúng ta ăn thịt lại. Nếu chúng ta không giết hại và không ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh không sanh ra, vì nhân quả thiện nên không có chúng sanh sanh ra đểmà ăn thịt lẫn nhau trở lại. Nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trên quả đất sẽ không có chúng sanh hung ác, chỉ có chúng sanh hiền lành và số lượng sanh ra rất ít. Tại sao vậy?
Tại vì, khi con người không giết hại và ăn thịt chúng sanh thì tâm của họ ít dục hơn; tâm dục ít hơn thì sự sanh sản ít hơn. Do đó, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trái đất này không bao giờ có tràn ngập chúng sanh. Bằng chứng con người hiện giờ vì ăn thịt chúng sanh nên tâm ác nhiều và tâm dục thì đầy dẫy, nên con người cũng sanh nhiều để thọ lấy quả khổ cùng nhau.
Con người ít dục thì sự sanh sản cũng ít, sanh sản ít thì việc làm ác cũng ít, và chúng sanh sanh ra cũng ít. Với đôi mắt phàm phu của con người, chúng ta không nhìn thấu hết qua lớp nghiệp của mỗi chúng sanh. Ví dụ, một người đang cắt cổ một con gà, tiếng con gà kêu là do người ấy nhẫn tâm vặn tréo hai cánh con gà đạp dưới chân rồi tiếp tục cắt cổ, con gà vùng vẫy với toàn sức lực của nó nhưng không làm sao thoát khỏi bàn tay hung ác của con người.
Người giết con gà ấy đâu có biết rằng có thể Mình đang cắt cổ mẹ mình. Khi còn sống bà thường giết gà cách này để làm thực phẩm cho các con ăn, bây giờ trả quả thì chính các con của bà đã cắt cổ bà để làm thịt cho con chúng nó ăn (tức là cháu bà ăn bà).
Luật nhân quả vay một mạng con gà chết phải trả 10 mạng con gà ở kiếp sau, tức là phải chịu cắt cổ nhổ lông và nhúng nước sôi 10 lần. Ở trên đời này, chúng ta làm một điều ác thì phải trả quả 10 lần, cho nên chúng sanh càng ăn thịt thì loài vật cũng sanh ra nhiều để trả quả. Phần nhiều những người ăn thịt chúng sanh là họ đang ăn thịt ông bà, cha mẹ, người thân quyến thuộc của họ, đang tái sanh làm kiếp súc sanh trả quả ăn thịt chúng sanh ngày xưa.
Ðức Phật dạy, được thân người là chúng ta gieo một, trả mười, trả trăm. Ví dụ, ta ăn một con gà mà phải tái sanh làm một trăm con gà, một trăm lần chết trên chảo dầu sôi, nước bỏng, và bị cắt cổ nhổ lông vô số vô lượng lần, chừng nào trả hết quả của kiếp làm người đã giết và ăn thịt chúng sanh. Như vậy, thử hỏi trong một đời người, chúng ta đã giết và ăn thịt bao nhiêu chúng sanh? Số lượng cũng khó mà lường được, phải nói là quá nhiều, không thể đếm được. Như vậy, muốn làm người thì rất khó, phải trả hết nợ máu xương này rồi mới được đi tái sanh làm người.
2.- HÃY SỐNG ĐÚNG LUẬT NHÂN QUẢ
Hỏi: Kính thưa Thầy, lúc sống không tu tập trau dồi thiện pháp, không sửa tâm tánh những thói hư tật xấu. Sống không nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, luôn luôn tạo khổ cho mình và cho người khác. Ðến khi chết, mặc “áo lục thù, áo hải hội” có tác dụng gì không?
Ðáp: Kinh sách Ðại thừa thường soạn viết ra những điều phi đạo đức, sống làm điều ác, gian tham, tật đố, háo danh, tham của cải, tài sản, đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn, giết người, cướp của, hại mạng chúng sanh, chẳng chút lòng lành, chẳng biết thương xót ai hết, chỉ biết có mình là trên hết. Ðến khi chết chỉ cần mặc áo lục thù hoặc áo hải hội, đi xuống Diêm Ðình không ai bắt tội, vì Quỷ Sứ, Ngưu Ðầu, Mã Diện, Ngục Tốt...đều biết đó là đệ tử của đức Phật, nên vị tình tha thứ.
Ðó là một hình thức trong muôn ngàn hình thức lừa đảo, lường gạt tín đồ của kinh sách Ðại thừa, đối với những người còn nhẹ dạ, non lòng, trình độ hiểu biết còn thấp kém, chịu ảnh hưởng sâu nặng những phong tục tập quán lâu đời. Nó đã biến thành thói quen, nên có hữu sự chuyện gì thì cứ theo lời dạy trong kinh sách đó mà làm, chẳng dám ném bỏ. Nhưng dù có biết sai chăng nữa, nếu không làm thì chịu không được, hoặc sợ mọi người lên án hay chê cười bất hiếu, không thông kinh sách Thánh Hiền.
Ðạo đức nhân quả là một đạo luật rất công bằng và công lý. Giả thuyết nếu đức Phật có làm những tội ác, mà đã đi xuống Ðịa Ngục, dù có mặc một trăm chiếc y hai mươi lăm điều thì luật nhân quả cũng sẽ không tha tội ông, vẫn hành tội đúng như những người khác làm tội ác, mà không có chút nào thiên vị. Cho nên, các cư sĩ đừng nghe theo kinh sách Ðại thừa, rồi chừng đó sẽ hối hận, ăn năn không kịp, đừng lấy vải thưa che mắt Thánh, đừng lấy chiếc áo Ðạo mà che dấu luật nhân quả!
Hãy sống đúng luật nhân quả, đừng làm khổ mình, khổ người, thì dù có sống trong cảnh giới nào thì cũng được an vui, hạnh phúc, có chết đi về cõi nào thì cũng là cõi Cực Lạc, Thiên Ðàng.
Chẳng bao giờ biết sợ đọa Ðịa Ngục, và chẳng bao giờ có Diêm Vương bắt nạt, có Ngục Tốt la hét mắng chửi, nạt nộ, hành hạ, v.v...
Thời đại khoa học hiện đại, sự hiểu biết quá rõ ràng, đâu còn mê tín lạc hậu như những ngày xưa. Chết mà còn mặc những chiếc áo như vậy chẳng có tác dụng gì cả, chỉ làm một trò cười lố bịch cho thiên hạ. Bị kinh sách mê tín, lừa đảo mà không biết, thật là ngu si hết chỗ nói.
Nói thế, chứ tin hay không tin là tùy quý vị, chúng tôi chẳng có quyền và chẳng có trách nhiệm gì cả trong vấn đề mê tín dị đoan. Mất tiền, mất của là mất của quý vị, chớ chúng tôi chẳng có hao tốn gì cả. Ở đây nói là để cùng nhau suy ngẫm cuộc sống con người đâu đúng, đâu sai, đâu tà, đâu chánh, đâu thật, đâu giả, v.v... để cho mọi người sống an vui, hạnh phúc, không làm khổ mình, khổ người. Ðó là tâm nguyện của chúng tôi.