1.- TẦM ÁC VÀ TẦM THIỆN; 2.- PHÒNG HỘ SÁU CĂN; 3.- THIỀN ĐỊNH
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 6, TG. 2011, tr.161-265; tr.273-279; tr.314-317)
link sách: ĐVXP, tập 6
1.- TẦM ÁC VÀ TẦM THIỆN
LỜI PHẬT DẠY:
- 3 -
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Ai ôm ấp niệm ấy
Hận thù không thể nguôi”.
- 4 -
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Không ôm ấp niệm ấy
Hận thù sẽ tự nguôi”
(Kinh Pháp Cú.3&4: I.Yamakavagga. Phẩm Song Yếu)
CHÚ GIẢI:
Hai bài kệ đầu của kinh Pháp Cú, đức Phật đã xác định: “Tâm dẫn đầu mọi pháp” và kế đó là những câu trong bài kệ đó là chỉ cho chúng ta cái sườn tổng quát của phương pháp hành thiền của đạo Phật.
“Tâm chủ tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”.
Ðến bài kệ thứ 3 và thứ 4 thì đức Phật xác định cách thức tu tập đi vào chi tiết rất rõ ràng và cụ thể bằng phương pháp dẫn tâm: Nếu dẫn tâm bằng ác pháp thì phải dẫn tâm như câu kệ 3 dạy.
Ðây là lối dẫn tâm vào ác pháp:
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Ai ôm ấp niệm ấy
Hận thù không thể nguôi”.
Bốn câu kệ này là phương cách dẫn tâm vào ác pháp.
Ðọc đến đây, chắc quý bạn thấy lối dẫn tâm của đạo Phật rất rõ ràng. Phải không các bạn?
Bốn câu kệ trên đó là lối dẫn tâm vào ác pháp để mà chịu khổ đau. Phải không hỡi các bạn?
Nếu là một người ngu si thường hay nghĩ người ta chửi mình, hại mình, ghét mình, thì đó là tự mình chuốc lấy khổ đau cho mình. Nếu là một người ngu thường hay nghĩ người ta nói xấu mình, vu oan, làm khổ mình. Ðó là tự mình dẫn tâm vào ác pháp, chuốc lấy khổ đau cho mình.
Ðối với đạo Phật chỉ có người vô minh, ngu si như loài vật, mới dẫn tâm vào chỗ khổ đau như vậy, còn người có trí không thể sống như vậy được.
Bốn câu kệ này đã trở thành chi tiết của pháp dẫn tâm vào ác pháp. Nó là câu trạch pháp của “pháp như lý tác ý ác”.
Nếu đứng về pháp lậu hoặc thì nó là tầm ác, tầm ác tức là tà tư duy. Trong Bát Chánh Ðạo thì tà tư duy không được chấp nhận.
Thưa các bạn! Bốn câu kệ này được xếp loại:
1- Pháp như lý tác ý ác.
2- Song tầm thì nó là tầm ác.
3- Bát Chánh Ðạo nó là tà tư duy.
4- Ðịnh Vô Lậu thì nó là Ðịnh Hữu Lậu.
Ngược lại bài kệ thứ tư:
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Không ôm ấp niệm ấy
Hận thù sẽ tự nguôi”.
Bài kệ thứ tư nếu ai thường tác ý như vậy thì thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự không bao giờ có phiền não, khổ đau, sợ hãi, v.v…
Nếu gặp ác pháp mà ai cũng tư duy như câu kệ trên đây thì tâm hồn sẽ không bao giờ có khổ đau, phiền lụy, buồn khổ, v.v… Phải không hỡi các bạn? Người nào thường hay sống với Chánh tư duy như vậy thì chắc chắn cuộc đời của họ làm gì có khổ đau.
Ðọc qua bốn bài kệ trong kinh Pháp Cú, chúng ta thấy rất rõ: Kinh Pháp Cú là một loại kinh dạy về đạo đức làm người, có pháp hành cụ thể, đưa dắt con người vào cuộc đời đầy tình thương yêu giữa mình và người; giữa người và mọi loài vật. Và ai cố gắng tu tập sẽ biến cảnh giới thế gian thành cảnh giới Niết Bàn một cách thực tế. Nếu một người muốn tìm tu giải thoát thì ngay khi bắt đầu vào bài kệ 1, 2 thì chúng ta cũng đã nhận ngay ra chỉ có con ngườimới có một phương tiện ý thức để phân biệt để tiến tu đến giải thoát hoàn toàn (Bài kệ 1 và 2).
Bài kệ ba và bốn là chi tiết của pháp tác ý để tiến sâu vào nội tâm giải thoát bằng Chánh tư duy hay bằng phương cách tác ý qua những câu kệ trạch pháp trên.
Nếu hằng ngày chúng ta sống với những câu kinh Pháp Cú này, thường xuyên như lý của nó mà người nào tác ý ra thì chúng tôi xin bảo đảm cùng các bạn: Người ấy là người giải thoát. Ðó là con đường giải thoát của đạo Phật đang ở trong tầm tay của quý bạn. Các bạn đừng bỏ qua một pháp môn đức hạnh tuyệt vời, quý báu của loài người, rất uổng các bạn ạ!
2.- PHÒNG HỘ SÁU CĂN
LỜI PHẬT DẠY:
- 7 -
“Ai sống theo dục lạc
Không nhiếp hộ các căn
Ăn uống thiếu tiết độ
Biếng nhác, chẳng tinh cần
Dễ bị ma nhiếp phục
Như gió lay cây yếu”.
- 8 -
“Ai sống quán bất tịnh
Khéo hộ trì các căn
Ăn uống có tiết độ
Có lòng tin, tinh cần
Ma không uy hiếp được
Như núi đá trước gió”.
(Kinh Pháp Cú. 7&8: I.Yamakavagga. Phẩm Song Yếu)
CHÚ GIẢI:
Bài kệ thứ bảy là pháp môn dạy giữ gìn sáu căn. Câu kệ đầu dạy: “Ai sống theo dục lạc”. Nghĩa là người tu theo đạo Phật thì không nên sống theo dục lạc. Vì dục lạc ở đời dễ cám dỗ con người đi vào đường sa đọa, đắm nhiễm ác pháp khiến cho đời người phải chịu nhiều thứ khổ đau. Cho nên, sống không theo dục lạc là sống không bị ác pháp chi phối. Sống không bị ác pháp chi phối, tức là sống ly dục ly ác pháp.
Sống không theo dục lạc là sống Ðạo, sống thoát khổ; sống không theo dục lạc là sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người; sống không theo dục lạc là sống ly dục ly ác pháp; sống không theo dục lạc là sống đời Thánh hạnh; sống không theo dục lạc là sống tại thế gian mà thân tâm ở cảnh giới Niết Bàn.
Cho nên, ai sống theo dục lạc là sống trong ác pháp; sống trong đau khổ; sống theo dục lạc tưởng là hạnh phúc, nhưng chính thật là khổ đau; sống theo dục lạc là sống không ly dục ly ác pháp. Người ấy dù muốn tu tập thiền định thì chẳng bao giờ có thiền định; sống theo dục lạc là đời sống không bao giờ có đạo đức làm người đối với chính mình, đừng nói chi có đạo đức đến người khác.
Bài bảy câu 2, “Không nhiếp hộ sáu căn”. Câu kệ này Phật dạy: Người tu hành không nhiếp hộ sáu căn, để 6 căn rong ruổi theo sáu trần thì còn gì là ý nghĩa của người tu giải thoát.
Bởi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra sáu thức. Do tiếp xúc sáu trần mới có dục (Năm dục trưởng dưỡng). Có dục thì dục mới đưa con người vào ác pháp, vào ác pháp thì mới chịu nhiều khổ đau.
Cho nên, trên bước đường tu tập theo đạo Phật thì sự nhiếp hộ 6 căn là vấn đề quan trọng và cũng là hàng đầu trong pháp môn tu tập của Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.
Nhiếp hộ sáu căn có nghĩa là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, đừng để cho chúng chạy theo sáu trần. Chúng chạy theo sáu trần tức là tâm phóng dật.
Ví dụ: Các bạn tu hành mà thích trò chuyện, tiếp duyên thì đó là các bạn đã tu sai, tu như vậy khó ly dục ly ác pháp.
Trước khi bạn chưa tu, thì bạn nên nghiên cứu, học hiểu nghe băng, những điều cần thiết để thấu suốt đường tu của bạn. Còn nếu bạn bắt đầu tu mà còn nghe băng, đọc kinh sách… Ðó là bạn không nhiếp hộ 6 căn thì bạn có tu bao lâu cũng chẳng đến đâu được.
Trước khi bạn tu tập thì bạn còn lao động làm việc này, việc nọ, nhưng khi đã tu tập, mà bạn còn lao động làm việc này, việc nọ, thì đó là bạn không phòng hộ sáu căn. Do đó, con đường tu của bạn chẳng ích lợi gì thiết thực cho bạn. Bạn có biết không?
Chỉ vì bạn không nhiếp hộ sáu căn, nên mới sinh ra việc làm này, việc làm khác.
Muốn nhiếp “các căn chỉ có phương pháp độc cư là nhiếp hộ 6 căn đệ nhất”. Nó vừa phòng hộ, vừa nhiếp phục sáu căn của bạn quay vào trong thân.
Cho nên, con đường tu theo đạo Phật thì nhiếp hộ sáu căn là pháp môn cần thiết nhất giúp bạn ly dục ly ác pháp, nhập các loại định hữu sắc.
Khi nhiếp hộ sáu căn thì nhiếp phục sự ăn uống là điều tối ưu quan trọng. Ăn uống phải tiết độ, ăn uống không được ăn uống phi thời.Vì ăn uống không tiết độ và phi thời, thì đó là tâm bạn chạy theo dục lạc. Tâm chạy theo dục lạc là do thiếu sự phòng hộ và nhiếp phục các căn.
Ăn uống không tiết độ, ăn uống phi thời, thì dễ sanh ra biếng nhác, không tinh cần, thường thích sống trong dục.
Ba câu kệ của bài bảy:
“Không nhiếp hộ sáu căn
Ăn uống thiếu tiết độ
Biếng nhác, chẳng tinh cần”
Ba câu kệ này chỉ dạy cho người mới tu, nó là pháp chế ngự để phòng hộ nhiếp phục sáu căn, là để ăn uống có tiết độ, không được ăn uống phi thời và để siêng năng không được biếng nhác, đó là những điều cần thiết cho những người mới tu tập. Người mới tu tập mà không giữ gìn những đức hạnh này thì cuộc đời tu của mình thật là phí uổng. Chẳng bao giờ tìm được sự giải thoát chân thật.
Hai câu kệ cuối cùng của bài kệ thứ bảy, là để kết luận cho những người tu tập không đúng pháp hay để tâm phóng dật chạy theo dục lạc, không nhiếp hộ sáu căn, thường ăn uống không tiết độ, ăn uống phi thời, do đó tâm dễ sanh ra biếng nhác, chẳng siêng năng tập luyện, chỉ thích ăn, thích ngủ, thì lúc bấy giờ sáu trần dễ dính mắc và dễ bị cám dỗ, nên kinh dạy:
“Dễ bị ma nhiếp phục
Như gió lay cây yếu”
Ngược lại, bài kệ thứ bảy là bài kệ thứ tám dạy: Ai siêng năng tinh cần không sống theo dục lạc, thường giữ gìn sáu căn không cho dính mắc sáu trần. Ăn uống có tiết độ, không ăn uống phi thời và lúc nào cũng tinh tấn siêng năng làm đúng, tu đúng, sống đúng như lời dạy trong bài kệ thứ tám, thì không bị sáu trần cám dỗ. Không phá hạnh độc cư nên tâm không bị sáu trần lay động, do đó tâm không phóng dật, vững vàng như thạch bàn trước gió.
Tóm lại, bài kệ thứ bảy và thứ tám là phương pháp dạy: sống đúng Thánh hạnh của bậc chân tu. Nếu người tu sống ngược lại Thánh hạnh, thì không phải là đệ tử của Phật. Vì đang bị sáu trần vây hãm, sống như người thế tục.
Sau khi thực hành được giải thoát theo như hai bài kệ này. Chúng ta hãy đọc lại mà lắng nghe tâm hồn mình đang nghĩ gì, làm gì cho đúng với chánh pháp của Phật dạy?
“Ai sống theo dục lạc
Không nhiếp hộ sáu căn
Ăn uống thiếu tiết độ
Biếng nhác chẳng tinh cần
Dễ bị ma nhiếp phục
Như gió lay cây yếu”.
--o0o--
“Ai sống quán bất tịnh
Khéo hộ trì các căn
Ăn uống có tiết độ
Có lòng tin, tinh cần
Ma không uy hiếp được
Như núi đá trước gió”.
3.- THIỀN ĐỊNH
LỜI PHẬT DẠY:
- 23 -
“Người hằng tu thiền định
Thường kiên trì tinh tấn
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Ðạt an tịnh vô thượng”.
(Kinh Pháp Cú. 23: II. Appamàdavagga. Phẩm Không Phóng Dật)
CHÚ GIẢI:
Bài kệ thứ 23 đức Phật khuyên mọi người phải hằng tu thiền định. Vậy thiền định ở đây là loại thiền định nào?
Bài kệ thứ 23 nằm trong phẩm không phóng dật. Như vậy rõ ràng tâm không phóng dật là thiền định, chứ không phải ngồi hít thở, hay niệm Phật nhất tâm, giữ tâm không niệm là thiền định.
Ở đây, đức Phật chỉ khuyên chúng ta hằng tu thiền định, nhưng vì trong đời sống của chúng ta có nhiều loại thiền định như: Thiền Yoga, thiền Xuất hồn, thiền Vô vi, thiền Công án, thiền Ðại Thừa, thiền Tổ Sư, thiền Nguyên Thủy, thiền Tối Thượng Thừa, thiền Mật Tông, thiền Tịnh Ðộ Tông, v.v... Với số thiền định như thế này, thì chúng ta biết loại thiền định nào cho đúng, để tu tập tâm không phóng dật?
Do hiểu nghĩa tâm không phóng dật cạn cợt, nên phần đông người ta tu ức chế tâm không còn niệm thiện niệm ác.
Như kinh Pháp Bảo Ðàn đã hiểu sai tâm không phóng dật là tâm không niệm thiện, niệm ác. Tâm không niệm thiện ác là một lối thiền ức chế tâm, đó là đường cùng của thiền định ngoại đạo tiến thoái lưỡng nan. Tu đến chỗ vô niệm thì người ta không còn chỗ tu nữa. Nhưng nhìn lại đời thì cũng chẳng ra đời, đạo cũng chẳng ra đạo.
Như trong kinh Bát Chánh Ðạo, đức Phật đã chỉ rõ loại thiền định nào để chúng ta tu tập không sai, đó là Bốn Thiền hữu sắc. Trong Bát Chánh Ðạo Bốn Thiền là Chánh Ðịnh. Trong Bốn Thiền thì Sơ Thiền là loại thiền định thứ nhất. Loại thiền định thứ nhất chỉ có tu tập ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp chính là tâm không phóng dật.
Tóm lại, tu tập thiền định là tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp mà không dính mắc vào năm chi Sơ Thiền thì đó là nhập vào bất động tâm định. Trạng thái bất động tâm định là trạng thái Niết Bàn.
Ðức Phật dạy: Người hằng tu thiền định,tức là hằng tu tập Sơ Thiền, tu tập Sơ Thiền chỉ có nhiếp phục tâm để tâm ly dục ly ác pháp, có ly dục ly ác pháp thì tâm mới không phóng dật, mà tâm không phóng dật là Niết Bàn tại thế gian trong cuộc sống này.
Bài kệ này rất quan trọng là chỗ xác định được “thiền định”. Nếu xác định đúng “Chánh định” thì sự tu tập mới có kết quả đúng. Kết quả đúng thì mới có những năng lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Còn nếu xác định sai “Tà thiền” thì tu tập chẳng có kết quả gì, thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được.
Khi tu tập loại thiền định của đạo Phật thì chúng ta thường hưởng được những trạng thái Niết Bàn an tịnh, vô thượng. Và lúc nào muốn an tịnh là tâm chúng ta sẽ an tịnh liền.
Nếu người nào hằng ngày tu tập thiền định, với tâm siêng năng bền chí, không thối chuyển thì lúc nào cũng nhập vào sự an tịnh, vô thượng ấy được. Trạng thái an tịnh, vô thượng ấy không có một vật gì trên thế gian này sánh bằng được.
“Thường kiên trì tinh tấn
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Ðạt an tịnh vô thượng”.
Chỉ có thiền định của đạo Phật mới có sự an tịnh vô thượng. Sự an tịnh vô thượng, nếu ai tu tập đúng pháp, muốn có lúc nào là có được ngay lúc nấy. Do vì tu tập xả tâm, nên tâm tự nhiên không phóng dật mà có.