1.- ĐỨC HẠNH LÀM NGƯỜI; 2.- ĐỨC PHẬT VÀ CHÚNG THÁNH TĂNG ĐỀU ĂN NGÀY MỘT BỮA MÀ ĐÃ CHỨNG ĐẠO
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 4, TG.2011, tr.197-200; tr.273-277)
link sách: ĐVXP, tập 4
1.- ĐỨC HẠNH LÀM NGƯỜI
Nói về luật lệ giao thông tức là nói đạo đức giao thông.
Xưa, đức Phật đã có dạy đạo đức này, tức là giới cấm không cho hai vị Tỳ kheo đi song song trên đường. Tại sao vậy? Ngày xưa đi trên đường mòn, chứ đâu có đường rộng lớn tráng đá trải nhựa như bây giờ, còn bây giờ chúng ta thấy tốc độ xe cộ chạy nhanh như gió. Hằng ngày chúng ta đọc báo chí, những tin tức về tai nạn giao thông đã đem đến sự đau khổ cho biết bao nhiêu người, có những người chết, có những người bị tàn tật, cụt tay, cụt chân. Một hậu quả thương đau của xã hội do tai nạn giao thông. Ðó là do thiếu đạo đức giao thông mà đã để xảy ra những tai họa khủng khiếp cho con người, đem đến cho mọi người khổ đau, khổ mình và khổ người.
Cho nên, khi học đạo đức của đạo Phật, thì khi lái xe ra đường, người ta phải thấy trách nhiệm, bổn phận đạo đức của mình, cẩn thận khi cầm tay lái. Khi uống rượu say thì nhất định không được lái xe, lái xe không chạy quá tốc độ làm chủ của mình. Nếu ai ai cũng thấy trách nhiệm, bổn phận của mình như vậy, thì ít có khi xảy ra tai nạn. Luật lệ giao thông có, theo những biển cấm các tài xế lái xe phải tuân theo luật lệ giao thông, không được chạy vào những chỗ cấm. Nơi ngã tư đường có đèn xanh đèn đỏ. Ðèn đỏ chúng ta dừng lại, đèn xanh thì chúng ta chạy. Chúng ta đi đúng theo luật lệ giao thông, thì làm sao xảy ra tai nạn. Những luật lệ giao thông trên đây là đạo đức mà xưa kia đức Phật đã dạy. Thế mà người sau nói rằng đó là những giới nhỏ nhặt cần phải bỏ cho hợp thời thì thật là vô minh điên đảo.
Ðây, đức Phật còn dạy chúng ta một đức hạnh nữa, một giới luật nhỏ nhặt nữa. Ðức Phật đã cấm không cho đệ tử của Ngài leo cây, thế mà các Tổ cho giới này là giới nhỏ nhặt cần phải bỏ. Một người đệ tử của đức Phật mà leo cây thì còn thể thống gì, có khác nào là một con vượn, một con khỉ, nhưng khi lỡ tay té xuống chết hay bị gẫy tay, gẫy chân thì ai chịu khổ đau này?
Theo đức Phật nói: “Con người leo cây không có cây thang để trèo đó là một loài chúng sanh, một loài khỉ, vượn, chứ không phải con người”. Muốn sống đúng tư cách của con người thì phải sống đúng đạo đức. Muốn sống đúng đạo đức, trèo lên cây thì phải có cây thang, bắc thang trèo cây chúng ta thấy nó ít nguy hiểm hơn. Lỡ chúng ta trèo cây, té xuống thì ai khổ và làm cho ai khổ, chắc chắn là chúng ta sẽ khổ, rồi gia đình, những người thân của chúng ta khổ. Nếu chúng ta trở thành người tàn phế nằm một chỗ, thì đó là chúng ta đã tự làm khổ mình, khổ người và toàn là làm những người thân thương của chúng ta khổ. Ðó là chúng ta “báo đời” cho những người khác, nếu lúc bây giờ chúng ta chết đi thì tốt nhất, nhưng nó không chịu chết thì mới thật là khổ.
Các con cũng nghe những người trèo cây mà có thể xảy ra tai nạn, đưa đến những sự đau khổ này không?
Ngày xưa, đức Phật đã cấm chúng ta những điều này, là vì sự lợi ích cho chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Ðó là đạo đức.
Ðạo đức để biến chúng ta từ một loài động vật để trở thành một con người thật sự. Cho nên, muốn trèo cây chúng ta phải bắc cây thang, trèo cây có cây thang ít nguy hiểm hơn làchúng ta ôm cây mà trèo như trên Thầy đã dạy. Một hành động nhỏ nhặt như vậy chúng ta không nên xem thường. Ðó là đạo đức làm người, đó là thiện pháp mà đức Phật đã dạy chúng ta để ngăn ngừa những ác pháp, những ác pháp ấy có thể xảy đến cho chúng ta những tai nạn khổ ách. Ðó là những điều của người cư sĩ cần phải học những đạo đức cụ thể, thực tế trong cuộc sống.
Bởi đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát từng việc làm, từng hành động tuy nhỏ nhặt nhưng sẽ mang đến cho mọi người một sự an vui và hạnh phúc chân thật.
Cái hiểu lầm của các bạn là tưởng tượng sự giải thoát của đạo Phật quá cao siêu, quá mầu nhiệm, vì thế mà từ xưa cho đến ngày nay không có ai làm được.
2.- ĐỨC PHẬT VÀ CHÚNG THÁNH TĂNG ĐỀU ĂN NGÀY MỘT BỮA MÀ ĐÃ CHỨNG ĐẠO
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thật tình chúng con rất mến mộ thầy Chân Quang, chính chúng con đã kêu gọi bạn bè đóng góp tiền để in quyển sách Luận Về Luân Hồi Nhân Quả. Thậm chí những cuộn băng của thầy Chân Quang chúng con rất quý. Nhưng từ khi chúng con nghe được cuộn băng mà thầy Chân Quang nói về Thầy Thông Lạc, có những điểm mà trước đây chúng con nghe qua những cuốn sách, băng của Thầy giảng viết thì khác có những điểm như thế này. Ví dụ: thầy Chân Quang nói rằng Thầy không có đồng ý với sư ông (thầy Chân Quang đang nói chuyện với các đệ tử nên gọi là sư ông). Nói rằng sư Ông Thông Lạc còn những điểm mà Thầy không đồng ý là ăn uống không đủ chất bổ, ăn uống không đủ chất bổ thì không thể nhiếp tâm được, thậm chí mình ăn no đi, ăn thật no nữa là chỉ cần đi kinh hành một chút xíu thì bắt chân lên ngồi là nhiếp tâm được liền, còn ăn uống thiếu thì nó hại đến não thì làm cho mình bệnh hoạn này kia. Ðó là Sư ông ở tu viện Chơn Như bệnh nặng lắm. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho.
Ðáp: Ðể xác định điều này quý cư sĩ về đây trực tiếp gặp Thầy, có thấy Thầy bệnh nặng không?
- Dạ không, Thầy không có bệnh nặng.
- Thầy làm việc suốt đêm từ 7 đến 12 giờ đêm, rồi Thầy chỉ đi nghỉ chút xíu, khuya Thầy dậy tọa thiền phục hồi sức khỏe để ngày hôm sau làm việc nữa. Trong một thời gian ngắn chưa đầy 3 năm bộ sách Ðường Về Xứ Phật nhiều tập và các tập sách khác trên 5000 trang giấy được Thầy soạn thảo ra. Một khả năng làm việc phi thường như vậy thì các Phật tử cũng đủ biết Thầy làm việc rất nhiều. Và Thầy còn tiếp tục soạn thảo bộ sách đạo đức làm người nhiều tập. Trong lúc ấy Thầy vừa trả lời thư các cư sĩ bốn phương và cũng vừa làm việc trên máy vi tính để in thành sách với những trang sách có mỹ thuật như người chuyên nghiệp, nhằm để hoàn tất một cuốn sách đẹp, chứ không in bừa bãi thiếu mỹ thuật. Thầy làm việc như vậy quý Phật tử phải thấy được sức khoẻ của Thầy không kém thua những người còn trẻ. Trong lúc tuổi Thầy đã 78. Nhất là Thầy chỉ ăn ngày một bữa. Ăn ngày một bữa không thiếu sức khỏe, không bị bệnh đau. Ăn ngày một bữa ít bệnh đau hơn người ăn nhiều bữa. Ðau bệnh phần lớn là tâm phiền não, giận hờn lo lắng, khổ đau, thương ghét, v.v… kế đó là do ăn uống không điều độ, ăn uống quá nhiều, ăn uống phi thời, ăn nhiều bữa, ăn uống không vệ sinh, v.v...? Ăn uống nhiều sanh ra dục tầm liên hệ giữa nam nữ, phạm cấm giới làm hư hoại Phật pháp, còn ăn ngày một bữa đủ sống không sanh dục, không hôn trầm, dễ tu hành.
Trong giới luật của Phật đã cấm không cho tu sĩ ăn uống phi thời. Người mới vào tu như một Sa Di Tăng hay Sa Di Ni, thọ 10 giới thì giới thứ 9 cấm ăn phi thời, còn Tỳ Kheo thì thọ 250 giới. Giới thứ 37 cấm ăn phi thời, giới này thuộc giới đọa địa ngục (Ba dật đề).
Lý luận của thầy Chân Quang ở trên là lý luận của người phá giới để chạy theo tham dục về ăn uống. Những lý luận của thầy Chân Quang như vậy tức là thầy Chân Quang không hiểu thiền của đạo Phật, Thầy giẫm lại lối mòn của các Tổ nên bảo: “Ăn thật no chỉ cần đi kinh hành một chút xíu thì bắt chân lên ngồi là nhiếp tâm được liền”. Như quý Phật tử đã biết thiền của Phật, là phải lìa tâm tham, diệt ác pháp, chứ không phải ngồi bắt chân lên là nhiếp tâm không vọng tưởng. Thiền của Phật là ngăn ác diệt ác pháp tức là ly dục ly ác pháp, cho nên còn tham ăn, tham dục mà gọi là thiền định thì đó là tưởng thiền, thiền Ðông Ðộ, thiền Ðại Thừa, v.v...
Tóm lại, ngày xưa đức Phật và chúng Thánh Tăng ăn ngày một bữa, tu hành chứng đạo làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi sanh tử, còn bây giờ tu sĩ ăn uống phi thời, cho bổ khỏe, phá giới luật Phật tận cùng. Sống đời sống phi Phạm hạnh. Vì thế, chẳng có vị tu sĩ nào chứng quả giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi sanh tử được. Rất uổng phí một đời tu hành, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo.
Thầy Chân Quang dựa vào các ông thầy nhập định tưởng, các nhà ngoại cảm lên đồng, nhập cốt mà cho rằng họ tu chứng. Tu chứng như vậy không phải của đạo Phật, bởi vì đức Phật đã xác định: “Giới luật còn thì đạo Phật còn, giới luật mất thì đạo Phật mất”. Những ông thầy nhập định tưởng và các nhà ngoại cảm lên đồng, nhập cốt đều sống phi Phạm hạnh, sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, thì những vị này đâu xứng đáng là người tu chứng của đạo Phật.