TÂM THƯ GỬI CÁC TU SINH TẠI TU VIỆN CHƠN NHƯ.
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NBTT.1, TVCN.2007, tr.69-73)
link sách: Những Bức Tâm Thư, tập 1
Kính gửi: Các con thân mến đang tu tập tại Tu Viện Chơn Như.
Các con thân thương! Thầy xin gửi lời thăm và chúc các con tu tập chứng đạo trong thời gian ngắn nhất giống như Phật chỉ có 49 ngày thành đạo. Ngày tháng trôi qua quá nhanh, chỉ còn hơn một tháng rưỡi nữa là các con mãn khóa tu. Khi mãn khóa tu tập các con phải đứng lớp thay Thầy dạy mọi người tu tập.
Nếu đủ duyên thì đầu tháng 10 Âm lịch Thầy sẽ mở lớp Thọ Bát Quan Trai. Ðầu tháng 11 Âm lịch sẽ mở lớp Thọ Tam Quy và lớp Thọ Ngũ Giới. Mỗi lớp phải có người đứng dạy, nữ dạy theo nữ, nam dạy theo nam. Trong tu viện đã có phòng học cho nam và nữ riêng biệt, vì thế rất tiện cho các con dạy.
Nhân duyên đã đến lúc các con đền đáp công ơn Phật, công ơn Thầy, công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, côngơn đàn na thí chủ. Vì lợi ích, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa khoa học của con người trên hành tinh này nên cần phải có đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, vì sự lợi ích, vì sự an vui của nhân loại mà các con hãy đứng lớp dạy thay Thầy. Thầy đã già rồi chỉ còn ẩn tu và soạn viết sách đạo đức cho các con mà thôi.
Hiện giờ Thầy biết các con đều có đủ kinh nghiệm và kiến thức đứng dạy các lớp học và tu tập đã nói ở trên. Các con cứ dựa theo giáo trình Thầy đã soạn thảo “Những Chặng Ðường Tu Học Của Người Cư Sĩ” thì sự dạy tu tập không có khó khăn.
Như các con đã học qua lớp Chánh tri kiến. Lớp Chánh tri kiến là triển khai tri kiến giải thoát của các con, nó mở màn cho một chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản –nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Tri kiến giải thoát tức là thắng tri trong Phật giáo. Thắng tri tạo thêm một sức mạnh cần thiết để con người làm chủ được thân tâm, đoạn tận tâm tham, sân, si đưa đến chấm dứt đau khổ. Với thắng tri như vậy tâm sinh nhàm chán ly tham, từ bỏ, đoạn diệt, và cuối cùng đưa đến giải thoát hoàn toàn theo tiến trình như đức Phật đã dạy: “Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm nên đã làm, nay không còn trở lui trạng thái này nữa”. (Tương Ưng IV, 29). Ðọc đoạn kinh này các con thấy sự tu tập chứng đạo và đứng lớp dạy cho mọi người đâu có khó khăn.
Từ khi đức Phật thuyết giảng Tứ Diệu Ðế để khai ngộ và đi đến chứng quả A La Hán cho năm anh em Kiều Trần Như và tất cả gia đình, bạn bè của Yasa là 60 người. Khi được khai ngộ đến chứng quả A La Hán chỉ có một thời gian ngắn, điều này không thể ai ngờ được, nhưng đó là một sự thật, lịch sử còn ghi chép rõ ràng, trong kinh sách Nguyên thủy.
Khi tu tập chứng đạo xong, đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ khưu rằng: “Này các Tỳ khưu, Ta đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các Tỳ khưu, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các Tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, vì sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (nơi). Này các Tỳ khưu, hãy thuyết giảng giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ”.
Thầy xin nhắc thêm các con, hôm nay các con cũng vậy, khi đã tu học với Thầy có khác gì các Tỳ khưu ngày xưa tu học với đức Phật. Họ chỉ nghe Phật thuyết giảng xong, thâm nhập pháp liền buông sạch, trong vòng hơn một tháng là chứng đạt chân lí. Khi chứng đạt chân lí họ vâng lệnh Phật đã chia tay mọi người để đi giáo hóa chúng sanh mỗi nơi.
Hôm nay các con cũng vậy, người nào đã làm chủ tâm mình; đã hết tham, sân, si; đã bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; đã tâm không phóng dật thì hãy thay Thầy đứng lớp dạy người tu tập.
Ðứng lớp dạy người tu tập là phải theo thứ lớp mà dạy đạo.
* Thứ nhất là phải dạy giới luật (ăn, ngủ, độc cư, nhẫn thục, tùy thuận, bằng lòng).
* Thứ hai là phải dạy tỉnh giác (đi kinh hành).
* Thứ ba là phải dạy xả tâm (Ðịnh Vô Lậu, tri kiến giải thoát).
Ba pháp này được xem là Giới, Ðịnh, Tuệ. Nếu bỏ giới mà tu tập Ðịnh, Tuệ; còn gọi là Ðịnh Tuệ song tu thì cũng giống như người bắt rắn độc lại nắm bắt ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay đầu cắn người ấy nơi tay hay nơi một thân phần khác, và người ấy có thể bịchết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì bắt rắn một cách sai lạc.
Rút ra từ những kinh nghiệm tu tập bản thân của các con. Hầu hết các con ở đây tu hành không chứng đạo là do phá giới độc cư chỉ tu Chánh Niệm Tỉnh Giác, Ðịnh Niệm Hơi Thở và Ðịnh Vô Lậu. Vì thế, mà có một số người tu tập lạc vào tưởng uẩn gần như muốn điên, do các con xem thường giới luật mà tu tập sai pháp nên mới xảy ra như vậy. Nếu các con cần lưu ý một chút là sự tu chứng đạo các con rất dễ dàng.
Sóng gió có xảy ra mới thấy giá trị một ngày ở trong Tu Viện, cho nên mọi người không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh là Thầy rất tiếc, tiếc cho các con đã phí thời gian tuổi đời không còn nhiều nữa.
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng,
Tấc vàng tìm được không gì khó,
Tấc bóng thời gian khó hỏi han.”
Các pháp đều vô thường, tất cả những gì đã xảy ra đều bỏ xuống hết, có pháp gì bền chắc đâu mà các con phải phóng dật; có pháp nào của các con đâu mà các con phải quan tâm. Chỉ có bây giờ, sống ngay trong hiện tại đúng giới luật, tu tập đúng pháp thì sẽ chứng ngay liền, không mất thời gian. Ngộ và thâm nhập là hai phần rõ rệt, các con nên lưu ý: có người ngộ mà chưa thâm nhập, nên phải tu tập, nhưng tu tập phải sống đúng giới luật, tu phải đúng pháp từ thấp đến cao thì mới thâm nhập; có người ngộ và thâm nhập ngay liền là người chứng đạo không cần tu. Ngộ mà chưa thâm nhập là ngộ suông, đời còn tiếc chưa dám buông xảsạch; ngộ mà thâm nhập là người thấy các pháp vô thường, khổ là thật nên buông xả sạch. Ở đây, các con chưa hiểu điều này, nên ngộ các pháp vô thường nhưng không thâm nhập vô thường, vì thế không chứng được đạo. Không chứng được đạo rồi các con cứ nghĩ rằng ngộ là phải tu, tu là vất vả khó khăn.
Vậy phải cố gắng lên các con ạ! Chứng đạo không có khó khăn, người giữ giới luật nghiêm chỉnh, tâm sẽ không phóng dật là chứng đạo dễ dàng. Các con có đọc “Những Chặng Ðường Tu Tập Của Người Cư Sỉ chưa?” Nếu đã đọc xong, chỗnào chưa thông thì Thầy sẽ hướng dẫn thêm, còn sự dạy người tu tập, điều cần thiết ở đây là dạy kinh nghiệm thực hành của các con đã tu tập, chứ không phải dạy lý thuyết suông như giảng kinh thuyết pháp.
Trong khi đứng lớp dạy học cũng là đang ở trên tâm bất động. Tâm bất động trong cảnh tịnh, thì tâm thường an trú trên thân; tâm bất động trong cảnh động, thì tâm thường an trú trong tri khiến giải thoát (thắng tri); tâm bất động trong các cảm thọ thì tâm thường an trú trong hơi thở.
Người mới ngộ và mới chứng đạt chân lí đều đi ra giảng dạy cho mọi người tu tập đều tốt cả, chứ không sợ chướng ngại gì cả. Và chính đi dạy cũng là điều cần thiết để thấy tâm mình chứng đạo thật sự hay chỉ là bị ức chế tâm.
Thầy mong rằng, tuy không có mặt của Thầy tại Tu Viện, nhưng các con sẽ rống lên tiếng rống sư tử, dựng lại những gì của Phật giáo đã bị dìm mất từ ngày xưa. Ngay bây giờ, các con hãy chuẩn bị NGƯỜI ÐỨNG LỚP DẠY ÐẠO, đem kinh nghiệm tu hành của mình ra dạy, theo giáo trình mà Thầy đã soạn sẵn.
Các con tu tập đã có năng lực làm chủ tâm mình, giữ tâm bất động trước mọi hoàn cảnh; giữ tâm bất động trước các cảm thọ và đẩy lui các bệnh khổ; giữ tâm bất động trước sự sống chết không hề lo lắng và sợ hãi, tập tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết như cô Huệ Ân. Các con đã làm chủ được như vậy thì đó là một sự lợi ích rất lớn cho đời sống làm người của các con.
Sau năm tháng tu tập làm chủ được như vậy, hôm nay các con xứng đáng đứng ra dạy mọi người tu tập, truyền lại những kinh nghiệm làm chủ thân tâm mình không phải ở lý thuyết suông mà cả một sự thực hành. Hãy mạnh dạn đứng lớp thay Thầy dạy đừng sợ mình dạy không được. Dạy tu tập rất dễ dàng vì dạy trong kinh nghiệm tu hành của mình chứ không phải dạy lý thuyết suông theo kinh sách mà phải soạn thảo bài vỡ.
Trường hợp nhập định an trú và ngủ có khác nhau, nếu người không tu tập hoặc tu tập mà chưa nhập vào sức tỉnh thức cao thì khó phân biệt người ngủ và người an trú. Người an trú thì hơi thở nhẹ nhàng không phát ra tiếng động, thân bất động không giựt mình, còn người ngủ hơi thở phát ra tiếng động to như tiếng ngáy, tiếng động nhỏ nhiệm, gần như không nghe. Cho nên thấy ai ngồi bất động đều cho là ngủ là sai. Người an trú đúng pháp thì đầu không cúi, người an trú không đúng pháp thì rơi vào xúc tưởng hỷ lạc đầu hơi cúi, lưng thụng.
Các con hãy tu tập trong bốn oai nghi để xả tâm rốt ráo là tốt nhất. Các con tu tập chưa có Bốn Thần Túc nên vừa dạy và vừa tiếp tục giữ tâm bất động thì lần lượt Bốn Thần Túc sẽ xuất hiện. Người đứng lớp dạy đạo giới luật phải nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Ðó là bài học thân giáo sống động nhất của một người thầy. Các con nên lưu ý, nếu không đứng lớp thì thôi mà đã đứng lớp thì thân giáo là bài học quan trọng.
Thăm và chúc các con giữ tâm không phóng dật thì sẽ chứng đạo ngay liền, để xứng đáng là một người thầy đứng lớp.
Thầy của các con.