1.- LY DỤC THAM; 2.- NGƯỜI XUẤT GIA CÓ 2 VIỆC CẦN LÀM; 3.- NIẾT BÀN LÀ LẠC KHÔNG CÓ THỌ
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NLGPD, tập 3, TG. 2010, tr. 176-178; tr. 201-203; tr. 229-232)
link sách: NLGPD, tập 3
1.- LY DỤC THAM
LỜI PHẬT DẠY :
“Này Ràdha, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, hãy từ bỏ chúng. Như vậy sắc sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðối với thọ, tưởng, hành thức cũng vậy”.
CHÚ GIẢI:
Ðọc đoạn kinh này chúng ta mới nhận ra pháp hành thiền định cụ thể của Phật giáo là có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì hãy từ bỏ chúng, có nghĩa là không làm theo chúng, thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ không còn sanh khởi nữa. Phương pháp tu này rất đơn giản chỉ cần không làm theo dục tham, dục sân, dục si... thì cuối cùng thân ngũ uẩn này mới như thật không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.
Có đoạn dứt được như vậy thì trước các cảm thọ ta mới có thể bất động tâm được. Nếu không từ bỏ được, không ngăn chặn được lòng tham dục thì chúng ta khó mà thành tựu pháp quán thân, thọ, tâm, pháp vô thường, khổ, vô ngã.
Và không thành tựu được pháp môn này thì khó cho ta thấy được quả giải thoát vô lậu A La Hán.
Từ bỏ lòng tham dục thì chúng ta phải nhận thấy rõ ràng từng tâm niệm dục, dù dục rất vi tế rất nhỏ nhặt. Ví dụ: tham dục ăn, tham dục ngủ, tham dục làm việc, tham dục nói chuyện, tham dục đọc kinh sách, tham dục nghe băng giảng, tham dục tu nhiều, tham dục hỷ lạc, tham dục khinh an, v.v…
Chúng ta chỉ có ly được dục là đoạn dứt được thân ngũ uẩn, đó là ý chính của bài kinh này và cũng là pháp hành độc đáo thiền định của Phật giáo mà mọi người không thể ngờ được.
2.- NGƯỜI XUẤT GIA CÓ 2 VIỆC CẦN LÀM
LỜI PHẬT DẠY:
1- Im lặng như Thánh
2- Thưa hỏi pháp ngữ.
CHÚ GIẢI:
Trong cuộc đời tu hành, muốn đạt kết quả giải thoát, thì có hai điều kiện các bạn cần nên nhớ và còn phải chấp hành nghiêm túc.
Ðiều thứ nhất: “Phải im lặng như Thánh”. Có nghĩa là các bạn khi khép mình vào khuôn khổ tu hành thì các bạn không nên hội họp nói chuyện. Không nên hội họp nói chuyện để làm gì các bạn biết không? Ðể tâm không phóng dật các bạn ạ! Ðó chính là việc quan trọng nhất cho đời tu của các bạn. Nếu các bạn xem thường sự im lặng như Thánh là các bạn đã phản bội lại đường tu tập của mình (phản lại Phật giáo).
Ðiều thứ hai: “Phải thưa hỏi pháp ngữ”. Có nghĩa khi tu tập phải thưa hỏi cho kỹ lưỡng rồi mới tu tập. Trong khi tu tập có điều chi bất ổn thì phải thưa hỏi để chỉnh sửa cho đúng cách, cho đúng pháp. Nếu không hỏi pháp ngữ thì sự tu tập sẽ tu tập sai pháp, có thể đi đến bệnh tật, điên khùng, rối loạn thần kinh.
Trên đây là hai điều kiện mà hành giả cần phải ghi nhớ, nếu không làm đúng hai điều kiện trên đây, thì cuộc đời tu hành của các bạn chỉ hoài công, vô ích mà thôi.
Các bạn nên nhớ hột cơm của đàn na thí chủ rất nặng, công ơn người nấu cho các bạn ăn cũng khó báo đáp, vì các bạn ngồi không mà ăn, thì các bạn liệu sức tu tập của mình đừng để mang nợ vào thân không biết đời nào các bạn trả xong. Nhưng các bạn đừng sợ, khi các bạn giữ gìn giới luật nghiêm túc thì công đứccủa các bạn rất lớn, nó như là thành trì bảo vệ, nó như phước điền để chúng sanh gieo trồng hạt giống giải thoát trên đó.
Trên đường tu tập có hai điều kiện quan trọng mà Phật đã dạy:
1- Im lặng như Thánh.
2- Thưa hỏi pháp ngữ.
Nếu các bạn giữ gìn chẳng hề vi phạm hai điều kiện trên đây thì cuộc sống của bạn là sự giải thoát thì còn đâu là nợ đàn na thí chủ nữa. Phải không các bạn?
3.- NIẾT BÀN LÀ LẠC KHÔNG CÓ THỌ
LỜI PHẬT DẠY:
“Này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn; này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn.
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta “sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?”. Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ.
Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các hương do mũi nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các vị, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các xúc, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả có năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc.
Ở đây, này Hiền giả, Tỳ Kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc." (Tăng Chi Bộ Kinh, Tập IV, trang 163)
CHÚ GIẢI:
Ðọc đoạn kinh trên đây chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng, trong khi tu tập gặp những trạng thái hỷ lạc thì chúng ta cứ ôm chặt pháp mà tu, chứ đang tu tập mà lại khởi niệm: “Ta tu tập có hỷ lạc” thì đó là một chứng bệnh mà Ngài Xá Lợi Phất (Sàriputta) đã xác định cho chúng ta thấy: “Ở đây, này Hiền giả, Tỳ Kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh...”.
Ở đây chúng tôi khuyên các bạn, cứ ôm pháp mà tu tập cho chính xác, đừng tu tập sai theo kiến giải, đừng để tâm chạy theo lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ. Vì chạy theo các trạng thái cảm thọ ấy là các bạn đã rơi vào các chứng bệnh thiền tưởng.
Niết Bàn là một trạng thái lạc nhưng Tôn giả Udàyi không hiểu nên hỏi: “Sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?”. Nếu còn có cảm thọ thì sự cảm thọ đó là dục lạc chứ không phải lạc của Niết Bàn.
Ngài Sàriputta xác định rất rõ ràng: “Dụclạc có năm: Sắc, thinh, hương, vị, xúc”.Còn lạc của Niết Bàn Ngài nói: “- Này Hiềngiả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ”.
Bởi thế khi tu hành có các cảm thọ, thọ lạc hay thọ khổ, chúng ta đừng nên lưu ý đến nó. Biết thì biết, nhưng phải ôm cho chặt pháp đừng vì thọ khổ mà bỏ pháp mà cũng đừng vì thọ lạc mà cho là mình chứng đạo. Tất cả những trạng thái này là bệnh.
Các bạn nên lưu ý: trạng thái Niết Bàn có “lạc” nhưng không có “cảm thọ”. Còn có cảm thọ bất cứ một trạng thái nào đều là bệnh thiền.