
1.- NGƯỜI GIẢNG THIỀN THÂM SÂU ĐÃ VƯỢT QUA NĂM ẤM CHƯA?; 2.- THÊ NÀO GỌI LÀ NHẤT TÂM
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NPTCB, tập 5, TG. 2011, tr.68-69; 146-148)
Link sách: NPTCB, tập 5
1.- NGƯỜI GIẢNG THIỀN THÂM SÂU ĐÃ VƯỢT QUA NĂM ẤM CHƯA?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Một vị Tỳ Kheo thuyết giảng thiền rất thâm sâu, tâm vượt năm ấm tường tận, có phải vị ấy đã trải qua kinh nghiệm tu mà nói lên?
Đáp: Một vị Tỳ Kheo nhập Tam Thiền không thể vượt qua năm ấm được, chỉ có nhập Diệt thọ tưởng định mới vượt qua năm ấm. Một vị Tỳ Kheo thuyết giảng thiền rất thâm sâu về lý, nhưng không trải qua kinh nghiệm tu hành mà nói lên, nên phần nhiều lạc vào tưởng pháp do tưởng tuệ. Sự giảng kinh thuyết pháp rất hay, nhưng xét cho cùng chỉ là một lý thuyết suông ở đầu môi chót lưỡi, nên pháp hành tu tập không thông, tu tập sai pháp, không có kết quả. Vì thế họ chưa bao giờ nhập định được. Trong kinh sách Phật có dạy sáu loại tưởng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng, người tu thiền định lạc vào định tưởng, pháp tưởng triển khai, luận thiền, luận đạo rất là thâm sâu về lý, nhưng pháp hành không vững. (Thiếu kinh nghiệm bản thân chỉ vay mượn trong kinh sách nói hoặc tưởng theo chữ nghĩa giảng dạy ra có khi đúng nhưng cũng có khi sai). Những gì của các nhà học giả giảng ra theo tưởng giải thì không thể nào tu tập được vì thiếu kinh nghiệm tu. Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa đều do tưởng giải của người xưa nên chúng ta tu tập không đưa đến kết quả rốt ráo được, định cũng không ra định, tuệ cũng không ra tuệ, cuối cùng chỉ trở thành một trò hý luận, chứ chẳng thấy có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết cụ thể.
Bởi vì, các thiền sư thời đại của chúng ta nói nhiều, mà bệnh đau thì đi nằm nhà thương, bác sĩ trị, thì thử hỏi làm sao chúng ta tin miệng họ được. Người tu thiền Đông Độ sống vì danh, vì lợi nên luôn luôn tranh luận hơn thua và còn dùng những danh từ nói xấu kẻ khác, trong khi đó tu hành chỉ có hình thức mà chẳng có ai nhập định làm chủ sanh, già, bệnh, chết được. Xưa, đức Phật từng đã nhắc nhở chúng ta: “Đừng có tin... đừng có tin... mà hãy tin những gì chúng ta thực hiện có lợi ích không làm khổ mình khổ người”. Cho nên người ta thuyết giảng hay chưa hẳn họ đã làm được hay.
2.- THÊ NÀO GỌI LÀ NHẤT TÂM
LỜI PHẬT DẠY:
“Thế nào tâm không tán loạn? - Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời” . “Thế nào gọi là nhất tâm ? - Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi”.
CHÚ GIẢI:
Tâm tán loạn là gì? Tâm tán loạn là tâm còn nhiều tham ưu, nên niệm này kế tiếp niệm khác, suy tư lo nghĩ ưu phiền, lúc nào tâm cũng bất an. Muốn đối trị tâm tán loạn thì Đức Phật đã dạy: “Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời”. Vậy quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên, để trừ bỏ tham ưu ở đời là như thế nào? Câu dạy này trong kinh Tứ Niệm Xứ Phật dạy về tu tập bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, tức là phương pháp truy quét tâm hay còn gọi là pháp môn đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân và tâm để thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm không tán loạn. Nhất tâm là gì? Nhất tâm là tâm định trên thân. Tâm định trên thân như thế nào? Tâm định trên thân như Phật đã dạy: “Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi” Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi là như thế nào? Là đi tôi biết tôi đi, đứng, nằm, ngồi hay hít thở đều biết không quên. Đó là thân hành niệm. Thân hành niệm là một pháp môn tuyệt vời trong Tứ Niệm Xứ, không những nó là một pháp môn tu tập nhất tâm mà còn là pháp môn tu tập có đủ mười công đức (thần lực siêu việt không thể nghĩ lường).
Qua lời dạy trên đây Đức Phật đã trang bị cho chúng ta những pháp tu tập xả tâm rất tuyệt vời, chứ không như kinh sách Đại Thừa thường dạy chúng ta tu ức chế tâm bằng những pháp môn kiến giải, khiến cho chúng ta không thể ly tham, sân, si được. Do chỗức chế tâm mà người tu theo các nhà Đại Thừa rơi vào danh, lợi, sắc, thực, thùy. Một bằng chứng cho ta thấy tu sĩ Đại Thừa càng tu tập tâm danh lợi càng nhiều, cho nên chùa to Phật lớn bắt đầu mọc khắp nơi.