
1.-DIỆT TẦM; 2.- HƠI THỞ THIỀN ĐỊNH; 3.- DIỆT NGÃ
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP. tập 3, TG.2011, tr.54-57; 80-81; 137-139)
Link sách: ĐVXP. tập 3
1.-DIỆT TẦM
Hỏi: Kính thưa Thầy! Làm cách nào để diệt được tầm hết hẳn, không còn trở tới trở lui nữa?
Ðáp: Muốn diệt được tầm hết hẳn trong thời gian 30 phút hoặc 1 giờ thì tu “định diệt tầm giữ tứ”. Lâu lâu tầm vẫn còn tái diễn là tu định diệt tầm chưa thuần.
Ðịnh diệt tầm chưa thuần mà vội xả tứ nó có hai trường hợp xảy ra:
1- Tầm không dứt, thường tái diễn trở lại.
2- Tầm chưa dứt sạch mà bỏ tứ thường xảy ra vô ký.
Muốn diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền mà Sơ Thiền chưa nhập được thì làm sao diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền. Bởi vì Nhị Thiền là bắt đầu thân định. Trong pháp tu hành về thiền định, tâm chưa định mà thân định thì không bao giờ có được, họa may có định cũng chỉ là định tưởng mà thôi. Ðịnh ly dục ly ác pháp chưa nhập được mà lo tu tập định diệt tầm tứ thì đó chỉ là mơ mộng mà thôi.
Một người nhập được chánh định thì người ấy phải sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả, bởi từ giới luật thanh tịnh nó mới có đủ Tứ Thần Túc. Có đủ Tứ Thần Túc thì mới diệt được tầm tứ nhập Nhị Thiền.
Cho nên, giới luật không thanh tịnh thì không bao giờ nhập Sơ Thiền được huống là Nhị Thiền.
Tại sao các con không diệt được tầm tứ nhập Nhị Thiền? Tại vì tâm các con chưa ly dục ly ác pháp, nói cách khác cho dễ hiểu hơn, tại vì các con còn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, tâm chưa thanh tịnh giới.
Lấy giới luật mà xét thì biết người nào nhập định và không nhập định rất rõ ràng và cụ thể, dù cho họ có ngồi thiền một hai ba ngày hoặc bảy tám ngày thì đó là thiền tưởng, tà thiền, chứ không phải là chánh định của Ðạo Phật.
Khi tâm thanh tịnh tức là tâm ly dục ly ác pháp xong thì người này tu định diệt tầm giữ tứ, tức là khi tâm họ không còn phóng dật thì họ tìm nơi gốc cây bóng mát nơi vắng vẻ, nơikhông có người lai vãng, họ ngồi kiết già lưng thẳng và khi tâm họ bắt đầu an lạc thanh thản và vô sự thì họ dùng pháp hướng tâm: “Tâm phải diệt tầm” đến khi ta thấy tầm không còn nữa, nghĩa là ta còn thấy rõ bốn chi thiền của Sơ Thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm thì lúc bây giờ chúng ta mới tu định diệt tầm tứ... như trên Thầy đã dạy.
Phần đông người tu thiền thời nay, tu chưa xong lớp thiền này thì vội tu lớp thiền khác, tu như vậy là tu sai không có lớp lang, tu lộn xộn, tu theo kiến giải tưởng giải của người xưa, v.v…
Khi tu tập Tứ Niệm Xứ, bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp được sung mãn thì Tứ Thần Túc xuất hiện. Tứ Thần Túc xuất hiện thì dùng ngay Ðịnh Thần Túc nhập các định không còn khó khăn, mệt nhọc, không còn phí sức tu tập, nhập định dễ như trở bàn tay, như lấy đồ trong túi.
2.- HƠI THỞ THIỀN ĐỊNH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo con nhận xét riêng, bản thân của con, con thấy hơi thở thiền định nó khác với hơi thở bình thường. Hơi thở thiền định thì có sự điều khiển chậm, nhẹ, dài và có lực. Thưa Thầy có đúng không?
Ðáp: Hơi thở chậm, nhẹ, dài, có lực và có sự điều khiển là tu Ðịnh Niệm Hơi Thở có kết quả tỉnh thức, chứ không phải hơi thở là thiền định, mà cũng không phải có thiền định màhơi thở sanh ra chậm, nhẹ, có lực và có sự điều khiển.
Tất cả những sự tưởng ra trạng thái thiền định như thế này, như thế khác đều là sai cả, đều là do tưởng. Có những trạng thái thiền xảy ra trong khi tu tập ức chế tâm không vọng tưởng là tà thiền, tà định của ngoại đạo.
Thiền định của Phật chỉ khi nào tâm ly dục ly ác pháp hay nói cách khác là tâm lìa tham, sân, si thì đó mới chính là thiền định của đạo Phật.
Như vậy khi tu thiền có trạng thái này trạng thái nọ, thì phải mau mau xả tất cả những trạng thái đó, chứ đừng có cho nó là định tướng, thì bước đường tu hành sẽ là bước đường cùng, tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉuổng cho một đời tu hành mà thôi.
3.- DIỆT NGÃ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy: “Ðạo Phật là Ðạo diệt ngã”. Con hiểu rằng muốn diệt ngã là phải tu đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là để không gặp đối kháng trong đời, để khỏi hao phí lực.
Ðáp: Ðúng vậy, con đã hiểu đúng ý Thầy dạy phần thứ nhất (không hao phí lực). Phần thứ hai: nhẫn nhục là tu tâm từ bi; tùy thuận là tu tâm xả; bằng lòng là tu tâm hỷ. Do thế tâm hồn con mới được an lạc thanh thản và giải thoát. Phần thứ ba: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là giúp con tu tập ly dục, ly các ác pháp; ly dục ly các ác pháp, tức là diệt ngã. Cho nên, người tu sĩ không ly dục ly ác pháp, thì không bao giờ diệt ngã được, nhưng ly dục ly ác pháp phải có những pháp hành đúng đắn, nếu không có pháp hành đúng đắn thì sẽ bị phí sức, đôi khi còn lạc vào thiền ức chế tâm, đã không có được giải thoát mà còn sanh bệnh tật rất nguy hại và hiểm nghèo. Sự tu tập theo Phật giáo phải có thiện hữu tri thức (người đã tu xong), hướng dẫn thì sự tu tập diệt ngã xả tâm không có phí sức. Bởi vì, tu theo giáo pháp của đức Phật, rất nhẹ nhàng, không có khó khăn không có mệt nhọc, không có phí sức. Còn tu sai không đúng pháp thì phí sức nên sanh ra lười biếng, hôn trầm, thùy miên, trạo cử, mệt nhọc, tinh thần thiếu sáng suốt, lờ đờ, không tỉnh giác, hay quên trước, quên sau, lẫn lộn, v.v…
Còn tu đúng pháp thì thân tâm nhẹ nhàng, an lạc, thoái mái, dễ chịu, thích tu, siêng năng tinh tấn, không lười biếng, nhất là lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc, hân hoan và vô sự.
Tu đúng pháp thì sức khỏe dồi dào, ít bệnh tật. Tuy rằng, ngày ăn một bữa cơm, không ăn uống lặt vặt, phi thời nhưng sức khỏe không bị tổn giảm.
Cho nên, tu theo pháp của đức Phật liền có sự giải thoát nơi thân tâm, nếu không có giải thoát ngay liền, thì đó là đã tu sai, cần nên tu sửa trở lại cho đúng cách.Người tu theo đạo Phật không sợ lạc lối, không sợ tu sai pháp. Vì đạo Phật xây dựng giáo lý của mình trên nền tảng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, mỗi hành động thân, khẩu, ý đều xuất phát đầy đủ trọn vẹn thiện pháp.
Người sống trọn vẹn đầy đủ thiện pháp, là người hạnh phúc nhất thế gian, do đó không còn sự khổ đau nào xâm chiếm tâm hồn họ được.
Vì vậy khi bắt đầu tu, là phải sống trong thiện pháp, một thiện pháp được sống và tăng trưởng thì một ác pháp được đẩy lui và diệt trừ. Một ác pháp được đẩy lui và diệt trừ, thì ngay đó chúng ta có tìm thấy sự giải thoát không? Chắc chắn là có, như vậy chúng ta tu tập theo Phật giáo làm sao sợ sai pháp được? Làm sao đi lạc lối được? Có tu là có giải thoát, có sống là có đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Phải không hỡi các con?