
TÂM KHÓ TRỊ
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NLGPD II, TG. 2010, tr. 114-116)
link sách: NLGPD II
LỜI PHẬT DẠY:
“Tâm phàm hay dao động
Khó chế, khó nhiếp phục
Kẻ trí khiến tâm chánh
Như thợ khéo nắn tên”.
(Kinh Pháp Cú. 33)
CHÚ GIẢI:
Tâm con người rất khó chế ngự, chế ngự tâm là một việc làm hết sức thiện xảo, phải biết rõ đặc tướng, hành tướng, nhân tướng của tâm mình, thì mới uốn nắn nó được. Cho nên, tất cả pháp môn của Ðạo Phật là những phương pháp huấn luyện tâm, huấn luyện tâm cũng giống như người muốn huấn luyện voi, cọp, chó, ngựa, v.v…
Huấn luyện tâm thì chúng ta phải dùng ý thức. Ý thức tác ý để chế ngự, để nhiếp phục, để dụ dỗ và để dẫn dắt nó theo lộ trình thiện pháp. Tâm chúng ta như con trâu rừng hoang dã, rất khó trị. Như chúng ta cũng thấy, những nhà huấn luyện voi, cọp, chó, khỉ, vượn, heo, dê, ngựa, chim, v.v... làm xiếc. Loài vật hoang dã còn huấn luyện được huống là tâm chúng ta. Phải không các bạn?
Ðường đi không khó mà khó chỉ vì lòng người còn ham dục lạc thế gian, không bền chí.
Chúng ta nên đọc kỹ lại bài “Ðịnh Niệm Hơi Thở”, thì sẽ thấy đó là một phương pháp dẫn và dụ tâm.
Chúng ta hãy đọc kỹ lại kinh Tứ Niệm Xứ, thì sẽ thấy đó là phương pháp vừa nhiếp phục vừa dụ tâm.
Chúng ta hãy đọc kỹ lại kinh Thân Hành Niệm, thì sẽ thấy đó là phương pháp vừa tỉnh thức cũng vừa tạo lực tâm.
Chúng ta hãy đọc kỹ lại bài kinh Song Tầm, thì sẽ thấy đó là phương pháp ngăn ngừa tâm ác.
Chúng ta hãy đọc kỹ lại bài kinh An Trú Tầm, thì sẽ thấy đó là phương pháp đoạn diệt tâm ác.
Nếu chúng ta hiểu rõ mỗi pháp mà áp dụng mỗi tâm niệm thì kết quả ngay liền như đức Phật đã nói: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy…”. Ðúng vậy, chỉ có những người tu sai pháp tức là tu tập ức chế tâm thì không thấy mà thôi, hay tu tưởng thế giới siêu hình thì mới có thời gian vô lượng kiếp.