In bài này

1.- KẾT QUẢ TU TẬP; 2.- BẢN NGÃ; 3.- KHI TU THEO PHẬT GIÁO CÓ CÒN THAM KHẢO THÊM SÁCH KHOA HỌC...

Lượt xem: 3695

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 5, TG. 2011, tr.254-256; 262-263; 302-304)
link sách: ĐVXP, tập 5

1.- KẾT QUẢ TU TẬP

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong khoảng thời gian ngồi thiền hay đi kinh hành, cảm giác thân và tâm như thế nào để đánh giá mình tu đúng pháp hay không?

Ðáp: Mỗi đề mục hơi thở trong khi tu hay trong khi hành thiền mà tâm thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc không phóng dật, phóng tâm là đúng, nhưng phải lưu ý không được tập trung ức chế tâm, còn có những trạng thái khác là sai.

Ngồi thiền mà có hỷ lạc nhiều là sai (xúc tưởng hỷ lạc).

Ngồi thiền mà thấy các sắc tưởng hiện ra là sai.

Ngồi thiền mà nghe thinh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng là sai.

Nói chung 18 loại tưởng và còn vô số các loại tưởng khác nữa. Có trạng thái tưởng nào đến đều là sai.

Theo từng đề mục tác ý dẫn tâm vào trạng thái của đề mục ấy mà thấy kết quả rõ ràng là không sai.

Ví dụ: Ðề mục thứ tư trong Ðịnh Niệm Hơi Thở “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Nếu khi ngồi hít thở dẫn tâm như vậy mà thấy có sự an tịnh thì đó là kết quả đúng, còn khi không dẫn mà có, thì coi chừng đó là sai.

Chữ an tịnh thân hành ở đây có nghĩa là sự an ổn của thân không bị mỏi mệt, không bị đau nhức, không bị bệnh tật khổ đau. Vì thế dùng câu tác ý trên có nghĩa là làm chủ được bệnh.

Tu đúng khi nào dẫn tâm có kết quả theo pháp hướng, chứ không phải ngồi ức chế tâm. Ngồi xả tâm bằng pháp hướng là đúng. Ngồi làm thinh tập trung tâm vào pháp tịnh, pháp động đều là sai. Ngồi vừa hướng tâm, vừa tập trung tâm vào pháp động là đúng. Ngồi mà tập trung tâm vào bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp để tác ý đẩy lui các ác pháp trên bốn chỗ đó là đúng. Ngồi mà không làm theo mọi ý niệm là tu tập đúng pháp.

2.- BẢN NGÃ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có một số người khi mới phát tâm tu, hoặc làm công quả ở chùa làm chức hướng dẫn cư sĩ và làm từ thiện xã hội mấy năm đầu thì thấy khuôn mặt rất dễ thương, nhưng khoảng thời gian  sau thì nhìn khuôn mặt thấy quậy beo, đụng việc người khác làm trái ý mình thì nổi sân đùng đùng. Có phải những người này làm phước mà còn cầu phước, không có phương pháp tu tập để kiểm soát bản ngã của mình? Khi thấy mình có công đôi chút, thì tỏ vẻ hơn người, nên khi ai làm trái ý họ, thì họ bực tức. Con hiểu như vậy  có đúng không? Thưa Thầy.

Ðáp: Phần đông người ta tu phước hữu lậu, nên làm có chút ít công đức thì bản ngã to ra, con hiểu như vậy rất đúng.

Người có phước hữu lậu thì bản ngã theo phước đó mà to lớn ra, không những riêng cư sĩ mà cả tu sĩ nữa. Cho nên, các vị tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức Tăng, Ni hiện giờ hầu hết đều không tu tập đúng pháp ly dục ly ác pháp của Phật giáo Nguyên Thủy. Cứ theo lộ trình Bồ Tát đạo tu phước hữu lậu thì bản ngã sẽ to lớn vĩ đại. To lớn theo tiền bạc, chùa to, Phật lớn, danh cao, chức trọng, v.v... Vì thế các vị này dễ sân, dễ phiền não, đời sống của họ trong dục lạc của thế gian, ăn ngủ phi thời. Họ chẳng bao giờ nếm được mùi vị giải thoát chân thật của Phật giáo.

3.- KHI TU THEO PHẬT GIÁO CÓ CÒN THAM KHẢO THÊM SÁCH KHOA HỌC...

Hỏi: Kính thưa Thầy, khi tu hành theo Phật giáo, có cần phải kham khảo những sách khoa học, những kỹ thuật, nghe tin tức thời sự thời tiết qua hình thức phát thanh và truyền hình của nhà nước không?

Ðáp: Người tu hành để cầu sự giải thoát thì đâu còn có thì giờ rảnh để nghiên cứu sách khoa học, kỹ thuật, nghe tin tức thời sự thời tiết qua hình thức báo chí, phát thanh và truyền hình của nhà nước.

Sanh tử là việc lớn, còn nghiên cứu sách khoa học kỹ thuật, nghe tin tức thời sự, chỉ là một việc nhỏ. Sự tìm hiểu đó cũng chỉ để hiểu biết trong vòng thế tục, cũng để hiểu biết trong hạn hẹp của đầu óc con người chứ không thể nào vượt không gian và thời gian để hiểu biết thấu suốt sự vận hành của vũ trụ.

Sự hiểu của khoa học kỹ thuật, tin tức, thời tiết chẳng có gì ích lợi cho sự tu tập của một người muốn ra khỏi vòng tục lụy luân hồi sanh tử. Sự tu tập theo Phật giáo là một sự khám phá tìm hiểu để biết thâm sâu vào tâm linh của con người. Sự tìm hiểu biết ấy thì khoa học kỹ thuật chẳng có thể giúp họ hiểu biết được những gì thêm mà còn chướng ngại cho sự tu tập.

Người tu sĩ Phật giáo mà còn tìm hiểu theo dõi tin tức trong nước cũng như thế giới thì họ làm sao tu đến nơi đến chốn được. Ðó là một phương tiện giúp cho tâm phóng dật dễ dàng.

Tu theo Phật giáo chúng ta không còn có thì giờ rảnh để nghiên cứu sách đời, theo dõi tin tức điện đài tivi, v.v... 24 giờ trên 24 giờ lúc nào cũng đang tu tập để quét cho sạch cái tâm nhiễm ô của mình.

Theo dõi tin tức, nghiên cứu sách khoa học để hiểu biết nói ra, khiến cho mọi người phục mình chơi, chứ tu hành có ra gì, chỉ phí công mang tiếng là tu theo Phật giáo.