1.- BẬC ALAHÁN CÓ TÂM ĐẠI BI KHÔNG; 2.- CHẤN CHỈNH PHẬT GIÁO; 3.- LOÀI THỰC VẬT CÓ CẢM NHẬN SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 4, TG.2011, tr.239-242; 345-350; 350-355)
link sách: ĐVXP, tập 4
1.- BẬC ALAHÁN CÓ TÂM ĐẠI BI KHÔNG
Hỏi: Kính thua Thầy! Bậc Alahán có tâm đại bi không?
Ðáp: Ðại Thừa cho bậc chứng quả A La Hán không có tâm đại bi, không thương xót chúng sanh là không đúng.
Một vị Phật, một vị A La Hán xuất hiện là do đại nhân duyên của chúng sanh trong thời đó. Nếu có đủ duyên thì bậc A La Hán xuất hiện bằng ngược lại là không. Nếu chúng sanh sống hung dữ, tàn ác, không chánh tín, theo tà kiến, không có tâm tha thiết cầu sự giải thoát, v.v... thì A La Hán không xuất hiện.
Cuộc sống con người xuất hiện nhiều tà giáo ngoại đạo. Ðạo Phật bị dìm mất thì Phật và A La Hán không xuất hiện. Phước chúng sanh có, duyên chúng sanh đủ và tâm tha thiết của chúng sanh muốn tìm tu giải khổ. Mặc dù hiện giờ tà giáo ngoại đạo nhiều, nhưng bậc A La Hán vẫn xuất hiện, xuất hiện để làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo, xuất hiện để quân bình cuộc sống cho con người trong đạo đức nhân bản - nhân quả.
Cũng giống như thời đức Phật xuất hiện. Toàn là tà giáo ngoại đạo (lục sư ngoại đạo). Nhưng chúng sanh trong thời đức Phật có đại nhân duyên, đó là duyên giải thoát. Ðức Phật xuất hiện dựng lại những giáo pháp đúng mà ngoại đạo đã ném bỏ.
Thường khi đức Phật thuyết một bài pháp xong thì các cư sĩ ca ngợi tán thán đức Phật bằng cách: “Sa môn Gotama, thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì đã quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”. Theo Thầy thiết nghĩ đức Phật đâu có pháp môn gì mới đâu? Ngài dám nói thẳng những cái sai cái đúng; Ngài dám bài bác chú thuật thần thông của ngoại đạo; Ngài dám bài bác cúng tế, cầu siêu, cầu an của ngoại đạo; Ngài dám bài bác 62 hệ tư tưởng của ngoại đạo; Ngài dám bài bác thế giới siêu hình không có chỉ là thế giới của tưởng tri. Cũng như bây giờ Thầy dựng lại những pháp môn gì của Phật mà giáo pháp phát triển và ngoại đạo ném bỏ xuống Thầy dựng lên, chứ Thầy đâu có pháp môn gì mới. Thầy cũng dám nói thẳng như Phật, mặc dù Phật còn có một giáo đoàn rất đông đảo và có cả nhiều vua chúa ủng hộ, còn Thầy có một mình, không có thế lực, không tiền bạc chỉ có một tâm nguyện muốn đem lại lợi ích cho loài người trên hành tinh này, một nền đạo đức nhân bản – nhân quả Phật giáo mà mọi người sống không làm khổ mình, khổ người; mà mọi người sống biết thương yêunhau, thương yêu sự sống của muôn loài trên quả địa cầu này. Rồi đây, Thầy sẽ không còn một mình mà có nhiều người, nhiều người khắp trên hành tinh này.
Nói A La Hán thương hay không thương, độ hay không độ chúng sanh là người ta nói, chứ những bậc A La Hán biết thời tiết nhân duyên lúc nào đúng, lúc nào chưa đúng, lúc nào độ, lúc nào chưa độ và biết mình phải làm những gì đối với chúng sanh. Với trí phàm phu hữu hạn mà trách các bậc A La Hán không thương xót chúng sanh, không độ chúng thì Thầy e rằng quý vị không hiểu A La Hán.
Quý vị đừng nghe theo những danh từ lời nói lừa đảo của kinh sách phát triển “Thương xót chúng sanh, độ chúng sanh”, Bồ Tát độ chúng sanh hay là dắt chúng sanh vào bệnh thần kinh, hay biến chúng sanh thành người xảo trá lừa đảo nói láo. Dẫn nhau đi vào hố thẳm mà không biết.
Ông Phú Lâu Na, một vị A La Hán, đệ tử của Ðức Phật đến xin Ngài đi hóa độ những người dân hung ác ở một xứ xa. Ðức Phật chấp nhận. Một mình một bóng, ông ra đi về hướng đó và chẳng bao lâu ông đã độ được dân nước đó theo chánh pháp của Phật tu hành. Hành động như vậy, ai dám bảo rằng A La Hán không thương xót chúng sanh? Chỉ có những người phỉ báng Phật giáo như các giáo pháp phát triển và các ngoại đạo mới nói vậy.
2.- CHẤN CHỈNH PHẬT GIÁO
Hỏi: Con kính bạch thầy! Sao trong thực tế: tu là sửa. Mà người đi tu là cả một sự nghiệp chuyển biến của tư tưởng từ nhận thức đến sự quyết tâm. Thế mà khi đã đi tu rồi còn có đòi hỏi cả một nghị lực và sự bền chí, gan dạ mới thắng được từng tâm niệm tham, sân, si của mình. Có người tự bỏ cuộc, có người lại chết khi chưa toại nguyện. Và rồi người chứng đạo lại càng hiếm có hơn. Ðó là con muốn nói cả một đời tu với bao tâm huyết. Thế nhưng đại đa số người cứ tin vào sự cầu siêu cho hương linh được về Cực Lạc thì điều này con thấy lạ quá. Làm sao giúp mọi người tín đồ hiểu được điều này thưa Thầy? Vì khi còn sống khuyên đừng sát sanh - không làm được.
Khuyên đừng uống rượu - không nghe. Khuyên sống hòa thuận - không làm. Khuyên xem sách đạo đức - lại làm ngơ. Thế mà cứ chết là cầu siêu? Làm sao siêu được!
Kính bạch Thầy! Hay là trong Giáo Hội hay pháp môn Tịnh Ðộ có cái nhìn, cái lý luận đúng như thế nào mà con không được biết.
Thậm chí các Thầy tụng kinh niệm Phật cũng ăn thịt chúng sanh, cũng uống rượu thì còn độ ai vào cõi siêu nào nữa!
Từ ấy mới bắt đầu dựng lại cuộc sống quốc thái dân an, ngày ấy toàn dân được học và hành đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Ngày ấy không còn cảnh bận rộn cầu siêu, cầu khẩn xin điểm lên lớp vậy, v.v…
Nếu bản thân mọi người lo học tập và hành đạo đức thì ngày ấy giảm đi số người liều mạng phạm pháp và ngày ấy ngành công an được nâng cao tâm trí được rèn luyện chuyên môn để cùng nhẹ nhàng hỗ trợ nền đạo đức, hỗ trợ cuộc sống toàn dân cao hơn nữa để quân bình sự tiến bộ của khoa học và đạo đức.
Thầy ơi! Sao con thấy điều này quá cần thiết và cấp bách nhưng biết bao giờ mới được thực hiện? Hay là nói như bao người là thời mạt pháp phải chịu nền đạo đức tồi tệ như thế để loài người đi đến diệt vong?
Lâu lắm rồi con mới viết thư trình Thầy. Con kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con.
Ðáp: Ðúng vậy, tu theo đạo Phật là cả một đời tu với bao tâm huyết mới diệt được lòng tham, sân, si, cho nên nhiều người không ý chí, không nghị lực, không gan dạ, kiên cường bền chí nên bỏ cuộc tu hành. Vì thế, Phật giáo phát triển biết rõ tâm lý của những người này nên sinh ra pháp môn Tịnh Ðộ để lôi họ vào mê hồn trận ảo tưởng của thế giới siêu hình tưởng tri. Những người không ý chí, không nghị lực, không gan dạ, không kiên cường, không bền chí, lười biếng thì thích tu theo pháp môn này. Do đó, Phật giáo trở thành Thần giáo mê tín lạc hậu làm mất chánh pháp của Phật.
Trước cái sai của Phật giáo quá nhiều, ai đã từng đọc sách đạo đức nhân bản làm người đều có sự mong ước như con, nhưng làm sao được hỡi con!
Tôn giáo là lãnh đạo tinh thần của mọi người, là truyền thống văn hoá đạo đức cho con người, thế mà tôn giáo lại dạy người mê tín, phi mất đạo đức nhân bản - nhân quả như kinh sách phát triển thì chúng ta hết ý kiến. Pháp môn Tịnh Ðộ là một pháp môn phi đạo đức. Tại sao pháp môn Tịnh Ðộ lại là pháp môn phi đạo đức?
Con hãy lắng nghe lời Ðức Phật A Di Ðà dạy:
“Thiện nam tín nữ các người
Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra
Ta không rước ở nước Ta
Thệ không làm Phật chắc đà không sai”
Trên đây là một lời nguyện trong bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật Di Ðà, khi Ngài phát tâm độ chúng sanh như vậy có thật đúng như vậy không? Không đúng các con ạ!
Một trăm lần không đúng. Tâm tham, sân, si một bụng mà chỉ niệm có mười câu Phật mà được rước về cõi Cực Lạc Tây Phương thì sự việc đó không bao giờ có, thì lời nguyện của đức Phật Di Ðà là lời lường gạt người là lời nói láo không thật.
Chỉ niệm 10 tiếng A Di Ðà Phật là được Ngài rước về nước Cực Lạc mà không có một điều kiện gì cả. Lời dạy này có đúng không? Nếu có một người gian ác cướp của, giết người, hiếp dâm, phạm vào tội tử hình, lúc bây giờ người này chỉ cần niệm Phật A Di Ðà thì đức Phật liền rước người này về cõi Cực Lạc. Ý nghĩ về cõi Cực Lạc này thì con nghĩ sao? Nếu đức Phật A Di Ðà mà rước người ác này về nước của mình như vậy, thì đất nước này sẽ là một đất nước trộm cướp. Một người còn tham, sân, si mà tụng kinh Di Ðà sẽ được siêu sanh Tịnh Ðộ, thật là lừa đảo vô đạo đức! Làm sao niệm Phật mà hết tham, sân, si được. Cho nên pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn phi đạo đức lừa đảo người khác.
Khi nào những pháp môn mê tín này được quét sạch ra khỏi Phật giáo thì nền đạo đức nhân bản – nhân quả mới được phổ biến rộng khắp nơi. Nhưng tất cả đều do phước duyên của chúng sanh con ạ! Chúng ta hãy chờ đợi và trong khi chờ đợi thì chúng ta hãy sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì đó là đem nền đạo đức nhân bản – nhân quả vào đời.
3.- LOÀI THỰC VẬT CÓ CẢM NHẬN SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con là người mới bước vào tìm hiểu và tu theo Phật giáo, con có một thắc mắc nhỏ, xin mạo muội được đưa ra và kính mong Thầy giải đáp giùm!
Với đôi mắt bình thường (nhục nhãn) của con. Con chỉ thấy các con vật (động vật) kêu đau khổ, vì vậy con rất thương hại chúng; con muốn hỏi Thầy: Những loài thực vật như cây đậu phộng, cây mè, cây đậu nành, các loài rau và cây ăn quả. Khi chúng ta nhổ chúng để ăn thì chúng có biết đau đớn không ạ?
Thắc mắc của con là như thế đấy. Chúng con nhìn vạn vật với đôi mắt bình thường thì không thấy các loại cây đau đớn khi bị nhổ lên làm thực phẩm. Nhưng với trí Tuệ Tam Minh và thiên nhãn của Thầy thì Thầy có cảm nhận được nỗi đau của thực vật không? (Cây lương thực, cây ăn quả, rau...).
Thắc mắc trên của con có vẻ rất đơn giản và buồn cười, nhưng con thực sự kính mong Thầy giải thích giùm để con thông suốt!
Con kính chúc Thầy sức khỏe an lạc!
Kính thư.
Ðáp: Câu hỏi của con là một câu hỏi mà nhiều người muốn thưa hỏi, nhưng e ngại không dám hỏi và không biết ai để hỏi.
Con hãy lắng nghe, Thầy sẽ giảng nói cho con hiểu: Nếu Thầy dùng Tam Minh giảng nói cho con nghe loài thực vật có cảm giác đau đớn thì con không đủ lòng tin nơi Thầy. Tại sao vậy? Vì các con không có Tam Minh. Cho nên, Thầy dùng ý thức giải thích để các con dễ hiểu.
Hành tinh chúng ta đang nương tựa sống là hành tinh sống mà ai cũng biết. Vì thế, mọi vật trên hành tinh này đều có sự sống như nhau. Từ loài thực vật rong rêu, cỏ cây đến loài động vật nhỏ nhất như: vi khuẩn, côn trùng; lớn nhất như loài chim đại bàng, kình ngư đều có sự sống.
Mọi vật đều có sự sống thì phải có sự cảm nhận. Loài động vật thì ai cũng biết chúng có sự cảm nhận rõ ràng như nhau. Còn loài thực vật chúng có cảm nhận không?
Câu hỏi của con trên đây là muốn biết loài thực vật có cảm nhận đau đớn hay không?
Có con ạ! Tại sao chúng ta biết như vậy? Có nhiều trường hợp chúng ta quan sát sẽ thấy những loài thực vật có cảm nhận như: tất cả cây thảo mộc, nhất là cây trinh nữ (mắc cỡ). Ðể chứng minh điều này, khi chúng ta đụng vào cây trinh nữ thì cây liền co cành lá xuống.
Còn tất cả các loài cây thảo mộc khác khi bị che khuất áng sáng thì chúng đều nghiêng mình theo hướng có ánh sáng hoặc chúng ta đổ một đống phân, một thời gian sau chúng ta đều thấy những rễ cây hướng về đống phân.
Như vậy, tất cả loài thảo mộc đều có sự cảm nhận, có sự cảm nhận là có sự đau đớn, nhưng chúng ta không phát hiện ra được âm thanh của những loài thảo mộc kêu khóc, thở than như loài động vật. Nhưng chúng có những hiện tượng héo úa, tàn tạ, nơi cành lá, chứng tỏ chúng cũng sầu khổ trước cảnh chia ly cùng mọi vật vào cõi vĩnh hằng. Con có nhìn thấy không con?
Khi nhận ra được những điều này. Ðứng trước sự sống và sự đau khổ của mọi loài và lòng thương yêu sự sống của muôn vật thì chúng ta phải làm sao hỡi con?
Chúng ta biết sống, biết đau khổ, biết thương yêu sự sống, biết khóc thương sự đau khổ của mình, của người, của muôn loài vật sống khác nhau. Sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm nuôi sống thân mình bằng những sự đau khổ, sự sống của muôn loài vật khác? Sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm nhai nuốt được những sự đau khổ, những sự sống của muôn loài vật khác?
Lòng yêu thương có cho phép chúng ta sống như vậy trên sự sống và sự đau khổ của muôn loài không hỡi con?
Phải chấm dứt sự tái sinh luân hồi con ạ! Phải thoát ra khỏi kiếp làm người, làm chúng sanh con ạ!
Muốn được vậy thì chỉ có một con đường duy nhất, đó là con đường Bát Chánh Ðạo của Phật giáo. Con đường ấy sẽ giúp chúng ta thoát kiếp làm người, làm chúng sanh và sống trọn vẹn trong lòng yêu thương của một con người thật là người muôn thuở. Phải không con?
Xét cho tận cùng sự sống trên hành tinh này là một sự khổ đau. Loài này ăn thịt loài kia để sống, loài kia ăn thịt loài này để sống thì thật là đau lòng. Phải không con?
Chính chúng ta là những người ăn thực phẩm thực vật để sống, khi biết cây cỏ thảo mộc có cảm nhận sự đau khổ thì chúng ta chỉ còn quyết tu tập cho ra khỏi nhà sinh tử, chấm dứt luân hồi, chứ không còn tha thiết sống trong sự phải ăn với nhau để sống. Sống trong sự đau khổ của nhau.
Xét cho tận cùng, mọi sự sống trên thế gian này là một sự đau khổ tận cùng của sự đau khổ, chúng ta hãy vượt ra những sự đau khổ này các con ạ! Như đức Phật đã dạy: “Ðứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”. Nhưng vượt qua bằng cách nào? Bằng chân lí thứ ba “Diệt Ðế” tức là Tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Phải cố gắng lên các con ạ! Ðời có gì vui toàn là sự khổ đau, chúng ta đang sống thì có bao nhiêu loài thực vật, động vật đau khổ và chết. Phải không hỡi con?
“Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”, lời dạy này không sai con ạ! Chúng ta làm sao đây hỡi con? Hãy bắt chước Phật. Người đã vượt qua, Thầy đã vượt qua, bây giờ các con hãy vượt qua. Cố gắng lên các con ạ! Có Thầy, có Phật giúp đỡ chắc chắn các con cũng sẽ vượt qua đến bờ bên kia. Chúc các con thành công.