In bài này

1.- VÔ MINH VÀ MINH; 2.- XẢ BỎ HỶ LẠC NÀO, TRƯỞNG DƯỞNG HỶ LẠC NÀO; 3.- TU NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG PHÁP; 4.- VÔ SỞ ĐẮC

Lượt xem: 4451

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 6. TG. 2011, tr.73-79; 85-91; 192-198; 368-373)
link sách: ĐVXP, tập 6

1.- VÔ MINH VÀ MINH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Vô minh là gì? Nó điều khiển nơi ba hành động thân, miệng, ý này mà thế giới đau khổ của một con người mởra như thế nào?

Và minh là gì? Nó điều khiển ba nơi thân, miệng, ý thì thế giới khổ đau của một con người chấm dứt, xin Thầy vì chúng con mà chỉ dạy cho rõ ràng để chúng con tu tập?

Ðáp: Vô minh là sự hiểu biết theo tâm ham muốn của mình (ái dục), vô minh là sự hiểu biết đối với các pháp không đúng như thật; hiểu biết một cách lệch lạc thiếu khoa học; hiểu biết theo chủ quan thiếu thực tế và cụ thể; hiểu biết trong các pháp đối đãi, hiểu biết trong hạn hẹp và hiểu biết bằng tưởng tượng, v.v…

Nói chung cái hiểu biết bằng trí hữu hạn của con người là “vô minh”. Vì thế, biết bao nhiêu bài pháp của đức Phật đã vạch ra cho mọi người thấu hiểu rất rõ ràng, từ thế giới hữu hình đến thế giới siêu hình, toàn là thế giới duyên hợp không có một vật thể gì là thực thể thường hằng, bất biến. Phật dạy rất rõ, thế mà con người cứ hiểu biết mọi vật là thật có, thậm chí đến cái thế giới siêu hình cũng cho là có thật. Vì cho nó là thật, nên luôn luôn bị dính mắc chấp đắm, do sự dính mắc chấp đắm các pháp mà con người tạo biết bao nhiêu điều đau khổ cho nhau, biến cuộc sống con người trên hành tinh này thành địa ngục. Con người chỉ còn là những ác quỷ giết hại lẫn nhau, chà đạp lên nhau, gian xảo, mánh mung, lừa đảo, lừa gạt, lường lận, hại nhau mà chẳng có chút lòng thương xót, chỉ vì vật chất cho nó là thật có.

Trí tuệ vô minh rất tai hại, tức là sự hiểu biết không thấu suốt các pháp thế gian. Có người bảo rằng: “Phải học thông suốt Tam Tạng kinh điển của Phật là hết vô minh, sẽ được giải thoát hoàn toàn”. Nói như vậy, các ông có bằng tiến sĩ Phật học là giải thoát hoàn toàn hết sao? Bằng chứng các ông có bằng tiến sĩ Phật học còn dính mắc hơn ai, sống phạm giới, phá giới. Trong kinh đức Phật đã chẳng dạy: “Giới luật ở đâu thì trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật làm cho trí tuệ thanh tịnh và trí tuệ làm cho giới luật thanh tịnh”.

Vậy mà, người ta cho rằng có bằng tiến sĩ Phật học là có trí tuệ. Trí tuệ “Minh” ở chỗ giới luật thanh tịnh, còn ngược lại trí tuệ tiến sĩ Phật học mà sống không đúng giới luật, phạm giới luật thì đó là trí tuệ “Vô minh”. Do trí tuệ vô minh học hỏi, những nhà học giả này chấp ngã bằng Trời hơn ai hết và dính mắc các pháp khó buông bỏ.

Bỏ biết bao nhiêu công lao năm tháng học hành, cuối cùng cũng chỉ học nói như một con chim, để lừa đảo người, buôn Phật, bán pháp, làm cuộc sống trong danh lợi, ô nhục mà vô minh vẫn hoàn là vô minh.

Ví dụ: Cho thân này là ngã, hoặc cho tâm là ngã hoặc cho thân này là của ta hoặc cho tâm này là của ta hoặc cho các dục là hạnh phúc ưa mến, yêu thích nó; hoặc cho vũ trụ này có thế giới siêu hình, có linh hồn người chết hoặc cho có chư Bồ Tát, Thần, Thánh, ma quỷ, v.v… phò hộ và phá phách. Cho thế gian này là thường còn, cho có Ðức Phật Di Ðà và thế giới Cực Lạc Tây Phương, cho có Phật Tánh, Ðại Ngã, Tiểu Ngã, Bản Thể Vạn Hữu, Bản Lai Diện Mục, cho có Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ nạn, cho có mười vua Diêm Vương, Ngưu Ðầu, Mã Diện, quỷ Vô Thường, quỷ La Sát, quỷ Sứ, v.v... Những sự hiểu lầm lạc tưởng tri đó gọi là vô minh.

Thường con người vì hiểu lầm lạc, hiểu Không đúng, nên hành động theo sự hiểu biết Không đúng đó mà tạo ra biết bao nhiêu thứ đau khổ và lầm than cho đời mình, người khác và tất cả chúng sanh.

Vì vô minh (hiểu không đúng) tưởng sắc dục là khả ái, khả lạc là hạnh phúc nên ham mê say đắm, đắm đuối chạy theo quyết tìm cho được và hành động dục lạc đó cho thoả mãn. Do sự hiểu biết lầm lạc đó đi đến hành động thỏa mãn dục vọng nhưng nào ngờ chẳng thỏa mãn dục vọng đó được mà còn bị đắm nhiễm trở thành một nghiệp lực rất mạnh.

Chính những hành động vô minh tạo ra nghiệp lực thúc đẩy đi đến tái sanh luân hồi. Do nghiệp thiện, ác mới có tái sanh luân hồi, có tái sanh luân hồi mới có thức, do có thức mà mọi người vì vô minh lầm tưởng cho là thần thức, linh hồn. Gần đây vào thế kỷ thứ V Thiền Tông phát triển cho thức này là Phật Tánh, nhưng họ khéo lý luận đánh lạc hướng những người còn vô minh, chứ không thể nào lừa đảo được những đệ tử của đức Phật.

Từ vô minh hiểu không đúng như thật, đã đưa con người từ lầm lạc này đến lầm lạc khác tạo ra thế giới đầy lòng tham muốn cái này, cái nọ để rồi gặt lấy hậu quả khổ đau vô vàn.Cho nên, đức Phật dạy: vô minh sanh hành, hành sanh thức cho đến ưu bi sầu khổ, bịnh, chết đó là một thế giới duyên hợp tạo thành khổ đau, mà con người mấy ai đã biết. Kẻ nào biết được, dứt hết nguồn mê, bỏ xuống tất cả, thì ngay liền đó là giải thoát. Phàm, Thánh chỉ có khác nhau là ở chỗ này mà thôi. “Phàm thì ôm đồm chẳng bỏ vật nào cả, Thánh thì buông xuống tất cả không lấy một vật gì”.

Trí tuệ “Vô Minh” thì ôm đồm, chẳng bỏ vật nào cả, vì thế người có trí tuệ Vô Minh thì phải chịu khổ đau vô vàn, ngược lại trí tuệ “Minh” thì buông xuống tất cả, không lấy một vật nào hết, vì thế người có trí tuệ Minh thì tâm hồn thanh thản, an lạc và giải thoát.

Cho nên “Minh” là sự hiểu biết đúng như thật, không mang theo tâm ái dục, hiểu biết không lệch lạc, không chủ quan, đúng như pháp, có khoa học thực tế, cụ thể, rõ ràng, minh chứng và xác thực, v.v… Nhờ sự hiểu biết như vậy mà đã đập tan Mười Hai Nhân Duyên này khiến cho cuộc sống của loài người trên thế gian này được an vui, hạnh phúc.

Người có Minh thấy các pháp đúng như thật nên hành động thân, miệng, ý tạo nhân quả thiện, không làm theo tâm ham muốn ác pháp của mình nên cởi bỏ hoàn toàn sự khổđau và chấm dứt tái sanh luân hồi. Người ngộ được 12 Nhân Duyên này là người phải có trí tuệ Minh, cởi bỏ 12 mắt xích sắt này được giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau phiền toái. Nhờ trí tuệ Minh vén sạch ngũ triền cái, bứt bỏ thất kiết sử. Người đó gọi là bậc Duyên Giác hay còn gọi là Ðộc Giác Phật.

Tóm lại, trí tuệ Vô Minh sẽ đem đến cho loài người khổ đau, tạo nên một thế giới đầy dẫy bất toại nguyện, còn trí tuệ Minh thì đem lại cho loài người một sự hạnh phúc, an vui, vĩnh viễn.

2.- XẢ BỎ HỶ LẠC NÀO, TRƯỞNG DƯỞNG HỶ LẠC NÀO

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thân, thọ, tâm, pháp đều có khổ, lạc, bất khổ bất lạc thọ, ở thế gian đều phải xả bỏ, ngược lại hỷ lạc, khinh an khi tu tập thiền định sanh ra thì có cần phải giữ gìn và tăng trưởng hay phải xả bỏ như thế nào? Nếu không được giữ gìn và tăng trưởng thì những hỷ lạc này sẽ thối thất, mất mát, hoặc hao mòn không thưa Thầy?

Ðáp: Dục lạc thế gian là nguy hiểm, là tai họa, là khổ đau, v.v… nên tu theo Phật giáo cần phải xả ly, xa lìa những thứ dục lạc đó. Do tu hành thiền định có lạc, có hỷ, hỷ lạc này tùy theo ở mỗi loại định xuất hiện, như hỷ lạc của Sơ Thiền do “ly dục” sanh ra. Hỷ lạc này không giống như hỷ lạc của dục lạc.

Hỷ lạc của Nhị Thiền do định sanh, hỷ lạc này cao hơn hỷ lạc do ly dục sanh ở Sơ Thiền, nhưng phải hiểu nó là do định ly dục sanh ra, nó không giống hỷ lạc do thiền định ức chế tâm như thiền Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ, hỷ lạc của hai loại thiền này do dục tưởng sanh.

Khi tâm không còn ly dục thì hỷ lạc của Sơ Thiền liền mất, không còn ly dục, tức là tâm phóng dật chạy theo các đối tượng của nó: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm còn ly dục ly ác pháp, tức là tâm còn an trú trong Sơ Thiền, tâm chạy theo dục lạc, tức là tâm xuất Sơ Thiền.

Khi tâm còn tịnh chỉ tầm tứ, tức là tâm an trú Nhị Thiền, tâm an trú Nhị Thiền có hỷ lạc do định sanh. Khi tâm hết hỷ lạc, tức là tâm không tịnh chỉ tầm tứ.

Do những điều ở trên ta muốn giữ gìn hỷ lạc không cho mất, nếu Sơ Thiền thì phải giữ gìn tâm không phóng dật, còn Nhị Thiền thì phải giữ gìn cho tâm tịnh chỉ tầm tứ.

Hỷ lạc của Sơ Thiền và Nhị Thiền không có tăng trưởng thêm mà chỉ có một mức độ của nó mà thôi, dù có kéo dài trạng thái hai loại thiền này ra hai, ba ngày, thì sự hỷ lạc cũng chỉ như vậy, không tăng, cũng không giảm.

Tam Thiền thì xả sạch hỷ, Tứ Thiền thì xả lạc, xả khổ và xả luôn cả đối tượng của nó tức là tâm thanh tịnh, nên không có hỷ và lạc của tưởng và thọ nữa, mà là một trạng thái vắng lặng bất động.

Ở đây quý vị phải hiểu, hỷ lạc của những bậc Thánh Hiền do từ thiền định xả tâm ly dục ly ác pháp mà sanh ra. Vì thế, hỷ lạc này không phải thứ cảm giác an lạc vui mừng của tâm dục lạc thế gian. Quý vị nên lưu ý, bắt đầu vào Sơ Thiền do ly dục sanh hỷ lạc, nên hỷ lạc này không phải dục mà có, vì thế nó rất thanh tịnh, trong sạch không uế nhiễm. Ðến định sanh hỷ lạc ở Nhị Thiền, hỷ lạc của định Nhị Thiền là loại hỷ lạc định ly dục, chứ không phải là các thứ hỷ lạc của các loại định tưởng của thiền Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ, loại hỷ lạc đó là do dục tưởng sanh ra, nên có khi hiện lại có khi mất, vì thế mà con hỏi cần phải giữ gìn và tăng trưởng, như vậy con tu hành đã lạc vào tà thiền tà định, cho nên xin Thầy chỉ dạy cách thức giữ gìn và tăng trưởng hỷ lạc. Thứ hỷ lạc này là bệnh thiền sẽ đưa hành giả vào cảnh mộng “Phản Bổn hoàn nguyên; Phủ trùm vạn hữu; Thỏng tay vào chợ; Tự tại vô ngại; Ðói ăn, khát uống, mệt ngủ”. Ðó là một thứ bệnh thiền cần phải tránh xa. Hỷ lạc của loại thiền định này, gặp nó như là gặp loài quỷ La Sát. Khi tu thiền gặp nó, thì quý Thầy cần phải xả ngay hoặc dùng pháp hướng tâm đuổi đi, đừng để tâm theo nó, nó chẳng có lợi ích gì cho sự tu tập của quý Thầy mà còn có nhiều tai hại về sau.

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tu tập các định đã nhập được, sanh ra có trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ, vui mừng, v.v... thì trưởng dưỡng chúng như thế nào?

Ðáp: Muốn trưởng dưỡng trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ thì phải tập luyện khéo léo giữ tâm yên lặng trong trạng thái định đó, thỉnh thoảng hướng tâm bằng sự ước muốn hơn là tác ý thô tháo.

Tại sao các con lại muốn trưởng dưỡng các trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ đó? Trong khi đức Phật dạy bảo phải ly hỷ, xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Ðối với đạo Phật chỉ cần tìm sự “làm chủ sanh, già, bệnh, chết”, chứ đâu có đi tìm hỷ lạc, thọ lạc, khinh an như các con vậy. Giữ gìn và trưởng dưỡng nó để làm gì? Bỏ dục lạc thế gian để đi tìm dục lạc trong thiền định sao? Nó có lợi ích gì cho đời người?

Trạng thái hỷ lạc, khinh an nó có giải thoát cái gì cho con người đâu? Tại sao các con không đi tìm một “đạo lực” nào để làm chủ sự sống chết, luân hồi, chấm dứt sự khổ đau của đời người thì đó có phải là lợi ích thiết thực không?

Ði tìm chi cái hỷ lạc của thiền định không ra gì, ngồi như con cóc để thọ hưởng cái hỷ lạc đó, không lẽ tu hành rồi thành con cóc sao? Tu hành có hỷ lạc cũng tốt, không hỷ lạc cũng tốt. Cớ sao có thì mừng, không có thì buồn, cho rằng tu không kết quả, chứ đâu biết rằng kết quả của sự tu là tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải chỗ hỷ lạc, khinh an, lạc thọ.

Ở đây, quý Thầy cần phải biết phân biệt, khi tu hành tâm có hỷ lạc thì loại hỷ lạc đó do ly dục sanh hay do ức chế tâm mà sanh ra. Quý vị phải tự suy xét, cuộc đời tu hành của mình có sống đúng giới luật chưa? Nếu sống không đúng giới luật thì hỷ lạc của quý vị sanh ra là do dục lạc tưởng, là do loại thiền định ức chế tâm.

Tu sĩ thời nay có ai là người sống đúng giới luật đâu? Chỉ chuyên lo tu thiền định, niệm Phật ức chế tâm sanh ra hỷ lạc, đó là thứ hỷ lạc của dục tưởng, do ức chế tâm chứ đâu phải hỷ lạc của ly dục.

Thiền định ức chế tâm sẽ đưa quý vị đi vào chỗ chết, chứ không phải đi vào chỗ giải thoát. Người tu hành cần phải biết tu cái gì có ích lợi cho mình cho người thì mới nên tu, tu mà không biết, chỉ nhắm vào ích kỷ cá nhân của mình. Tu hành mà ích kỷ như vậy thì có ích lợi gì cho mình cho người đâu, thì tu làm chi cho phí uổng cuộc đời.

Người tu hành, vì muốn thoát ra bốn sự khổ đau của kiếp làm người, chứ không phải đi tìm khinh an, hỷ lạc của dục tưởng mà trưởng dưỡng nó, nó có hay không là điều không quan trọng đối với người tu sĩ đạo Phật.

Người tu sĩ đạo Phật, khi tu hành phải nhắm vào mục đích như thế nào? phải biết làm sao? Bằng cách nào? Cho có một đạo lực như thế nào? Ðể làm chủ sự sống chết luân hồi, thì mới mãn nguyện. Không lẽ tu hành bỏ dục lạc thế gian, bỏ hết cả cuộc đời mình mà lại đi tìm dục lạc thiền định hay đi tìm thần thông để làm gì?

Thần thông thì để lừa đảo, lường gạt thiên hạ; hỷ lạc của thiền định thì để cám dỗ những người còn ích kỷ cá nhân ham mê dục lạc chỉ riêng cho mình.

3.- TU NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG PHÁP

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy chúng con, hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng của mình, song chúng con chưa thấu triệt lắm, kính mong Thầy chỉ dạy cho chúng con để được thâm hành Phật Pháp, và giải thoát thân tâm.

Ðáp: Muốn tu tập đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng như thế nào?

Chúng ta nên chia làm ba phần:

Ðúng pháp

Ðúng cách

Ðúng căn cơ đặc tướng

¨ ÐÚNG PHÁP

Sau khi nghiên cứu tường tận biết rõ pháp môn nào là của Phật, pháp môn nào không phải của Phật.

Ví dụ:

1/ Pháp môn của Phật là pháp xả tâm, chứ không phải là pháp môn ức chế tâm.

2/ Pháp môn của Phật là pháp môn vô ngã ác pháp, hữu ngã thiện pháp.

3/ Pháp môn của Phật là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

4/ Pháp môn của Phật là pháp môn toàn thiện.

5/ Pháp môn của Phật là một pháp môn đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

6/ Pháp môn của Phật là một pháp môn huấn luyện tâm, rèn luyện tâm, như lý tác ý.

7/ Pháp môn của Phật là một pháp môn dùng để dẫn tâm vào đạo đức làm người.

Nếu quý Phật tử biết rõ đúng pháp thì sẽ tu tập đúng pháp. Ngoài bảy sự hiểu biết trên đây là đúng về Phật pháp còn là sự hiểu sai, hiểu sai Phật pháp tức là tu sai, tu sai thì phí công vô ích mà còn tạo thêm gánh nặng cho Phật tử (tín đồ) cúng dường.

Cho nên, trước khi đi tu thì phải nghiên cứu cho tường tận lời dạy của đức Phật rồi mới tu.

¨ ÐÚNG CÁCH

Tu tập đúng cách, tức là tu tập xả tâm, xả tâm đúng cách, tức là phải khéo léo thiện xảo, tu tập đúng cách là không bao giờ ức chế tâm. Tu tập đúng cách là phải biết pháp nào tu trước pháp nào tu sau, ví dụ như pháp Tam Vô Lậu Học thì giới luật phải tu trước, sau khi tu giới luật xong nghĩa là sống đúng giới luật không có vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới tu tập thiền định, còn vi phạm giới luật dù là một giới rất nhỏ thì cũng còn phải tu giới luật trở lại, chứ không được tu thiền định chừng nào giới luật thanh tịnh thì mới bắt đầu tập tu Thiền định. Sau khi nhập xong Tứ Thiền thì mới bắt đầu tu trí tuệ, thiền định chưa xong mà vội tu trí tuệ là tu sai, tu như vậy trở thành tưởng tuệ chứ không phải là trí tuệ.

Cũng như tu tập Tứ Thánh Ðịnh thì phải tu tập Sơ Thiền trước tiên, sau khi Sơ Thiền được sung mãn thì mới tu tập Nhị Thiền, sau khi Nhị Thiền được sung mãn thì mới tu tập Tam Thiền, sau khi Tam Thiền được sung mãn thì mới tu tập Tứ Thiền. Nếu chúng ta tu tập không đúng cách thì cũng giống như con bò, chân trước chưa bước mà chân sau đã bước thì con bò không thể nào đi được. Cũng giống như vậy, người tu sĩ đạo Phật giới luật chưa nghiêm trì mà tu thiền định thì chẳng bao giờ có thiền định được, thiền định của những người tu sĩ phạm giới là thiền định tưởng. Ðó là những người tu không đúng cách.

TU ÐÚNG CĂN CƠ ÐẶC TƯỚNG

Nếu tu tập không đúng căn cơ của mình thì cũng giống như người nhạc sĩ lên dây đàn, căng quá thì đứt dây, chùng quá thì không thành tiếng.

Do đó, khi tu hành chúng ta phải biết căn cơ của mình. Vậy muốn biết căn cơ của mình thì phải biết như thế nào? Căn cơ của chúng ta thể hiện qua nhân tướng và hành tướng. Vì thế, khi tu tập chúng ta nên tu tập theo nhân tướng và hành tướng tự nhiên của mình. Ví dụ: Hành tướng ngoại tự nhiên của mình đi chậm, khi tu tập thì phải theo hành tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh, cũng không đi quá chậm. Khi hành tướng tự nhiên của mình đi nhanh thì tu tập không được đi chậm hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, phải đi với tướng tự nhiên của mình.

Hành tướng nội tự nhiên của mình khi hơi thở chậm thì nên tu tập theo hơi thở chậm, hơi thở nhanh thì nên tu tập theo hơi thở nhanh, không nên hơi thở chậm mà khi tu tập thì lại thở nhanh cũng như hơi thở nhanh mà khi tu tập thì lại thở chậm, tu như vậy không tự nhiên. Không tự nhiên thì có sự ức chế mà có sự ức chế thì có chướng ngại pháp, có chướng ngại pháp thì không có giải thoát ngay liền, không có sự giải thoát ngay liền là tu sai pháp Phật, tu sai pháp Phật, tức là tu theo pháp môn của ngoại đạo.

Nhân tướng là hình dáng của cơ thể, có người có nhân tướng cao, nhưng cũng có người có nhân tướng thấp, người đẹp, người xấu, người trắng, người đen, người mập người ốm, người mặt dài, mặt ngắn, mặt vuông, mặt chữ điền, mặt bầu, mặt tròn... Tất cả mọi hình tướng khác nhau đều gọi là nhân tướng. Người tu theo đạo Phật không nên vì nhân tướng mà tu tập. Ước mơ có một tướng đẹp như Phật, 32 tướng tốt tám mươi vẻ đẹp. Ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp có còn đâu, khi đức Phật nhập Niết Bàn chỉ còn lại một nắm xương vụn bất tịnh thiêu chưa cháy hết.

Mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ chứ không phải tướng tốt. Dưới đôi mắt của Phật thì nhân tướng của con người chỉ là tứ đại duyên hợp, bất tịnh uế trược không có đáng cho chúng ta quan tâm, nhưng trong khi tu tập chúng ta biết sử dụng nó như sử dụng một con ngựa để đi đường xa vạn dặm. Vì thế, chúng ta phải biết cách khi thì dụ dỗ khi thì ra lệnh, chứ không bắt ép nó tu tập nhiều thì cũng không tốt mà tu tập ít thì cũng không có lợi, không được khổ hạnh ép xác, mà cũng không được lợi dưỡng phá giới luật.

Ngày ngày tu tập phải tùy theo đặc tướng của mình mà thực hiện cho đúng pháp thì có kết quả lợi ích rất lớn.

4.- VÔ SỞ ĐẮC

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trưởng giả Duy Ma Cất dạy Mục Kiền Liên: “Luận đến chỗ cứu kính của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào. Ví như ảo thuật sư làm ra người ảo, người ảo lại nói chuyện ảo. Phải xác lập ý thức kiên định như thế rồi mới thuyết pháp…; phải biết căn tánh chúng sanh lợi hay độn...; phải lấy tâm đại bi mà khen ngợi Ðại thừa”. Con thấy Duy Ma Cật lý luận lòng vòng cuối cùng cũng trở về lối thuyết pháp vô ngôn của Ðại thừa cũng giống như chuyện đức Phật niêm hoa ngài Ðại Ca Diếp vi tiếu trên đại linh sơn, nối tiếp chánh pháp của Phật. Thầy có thể giảng giải cho hàng sơ học như chúng con hiểu phần nào về lối thuyết pháp không nói không nghe này được không Thầy?

Ðáp: Lối thuyết pháp không lời có ai còn lạ gì Thiền Tông Trung Hoa:

“Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền.

Chỉ thẳng tâm người.
Kiến tánh thành Phật”

Có ai còn lạ gì Lão Trang:

“Ðạo khả đạo phi thường đạo.
Danh giả danh phi thường danh”.

Phải không các bạn?

Duy Ma Cật là một nhà nghiên cứu tập họp những tư tưởng của Phật, Lão, Nho và Bà La Môn thành lập một giáo lý Tối Thượng thừa. Cho nên, câu chuyện niêm hoa trên núi Linh Thứu, Tổ Ca Diếp mỉm cười… là khởi đầu cho những trang giả sử 33 vị Tổ Sư thiền Ấn Ðộ và Trung Hoa, với mục đích là quét sạch Phật giáo Nguyên thủy ra khỏi tư tưởng tín đồ.

Vì thế, Bồ Ðề Ðạt Ma dạy: “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật”. Ðó là ý đồ diệt Phật giáo đã hiện nguyên hình trong kinh Bất Tư Nghì mà nhân vật chính là ông Duy Ma Cật. Kinh sách Thiền Tông đều mang tư tưởng Lão Trang. Tư tưởng này xuất phát nơi đất nước Trung Hoa. Vì thế mới tưởng tri sinh ra 1700 công án trên giáo pháp thiền để thay thế kinh sách Nam Tông, chứ không phải kinh sách Bắc Tông, để chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật. Ðó là lối dạy để diệt ý thức “vô phân biệt” làm cho ý thức tê liệt “Chẳng niệm thiện niệm ác”. Các thiền sư tưởng giải “Chẳng niệm thiện niệm ác” là thành Phật, là giải thoát nơi đó, là hết tham, sân, si, nhưng sự thật đó chỉ là một ảo tưởng Phật tánh. Ðức Phật đâu có dạy kỳ lạ như vậy, đâu có dạy tu để làm Phật, đâu có dạy tu để nhập thiền định; đâu có dạy tu để có Tam Minh, lục thông; đâu có dạy tu ngồi thiền ba bốn tiếng đồng hồ; đâu có dạy tu để cầu vãng sanh Cực Lạc Tây Phương; đâu có dạy tu tập để nhập vào cảnh giới Niết Bàn; đâu có dạy tu để lại nhục thân, xá lợi; đâu có dạy cúng bái tụng niệm cầu siêu, cầu an, cầu tài, cầu lợi, cầu cho biết ngày, biết giờ chết; đâu có dạy lạy lễ hồng danh sám hối để tiêu tai, giải nạn, để được phước báu nhân thiên và để ngồi thiền hết vọng tưởng. Chính giáo pháp của đức Phật chỉ dạy tu tập để làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Ðó là mục đích chân chánh của đạo Phật giúp cho loài người thoát khổ, chứ không phải đạo Phật ra đời để hướng dẫn cho mọi người tu tập để thành Phật, để thành Thánh.

Thiền Tông và Ðại Thừa đã hiểu sai mục đích của đạo Phật nên mới lừa đảo người khác bằng những lời nói “Vô sở đắc”, nếu có ai nói tu có chứng, có đắc là gạt ngang “chẳng có chứng đắc gì cả”. Cho nên, ông Duy Ma Cật chỉ lập lại những ý nghĩ tư tưởng vô phân biệt: “Luận đến chỗ cứu cánh của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết, người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào”.

Thiền tông đã truyền thừa bắt đầu tại nước Trung Hoa khởi xướng từ Bồ Ðề Ðạt Ma và phát triển rộ nở từ Lục Tổ Huệ Năng.

Nhưng loại thiền này là thiền miệng, thiền la, thiền hét, thiền đánh, thiền thoi và luôn luôn vấn đáp công án nghe thật kêu, nhưng thực chất tu hành không có giải thoát, chỉ rơi vào thiền tưởng ngôi lim dim như thây ma người chết, họ cứ tưởng đó là “Phật tánh”. Biết bao nhiêu người bỏ công sức tu hành, cuối cùng cũng chẳng ra gì chỉ an trú trong một trạng thái tưởng không niệm. Cho nên thiền sư Thường Chiếu bảo: “Ðó là bọn đại bịp”.

Khi tịch tổ Pháp Loa bệnh đau rên: - Hừ! Hừ!!!

Thấy thế Huyền Quang hỏi: 

- Sao Hòa Thượng rên?

- Gió thổi qua khe trúc

Tu hành không làm chủ bệnh nên khéo trả lời che đậy “Gió thổi qua khe trúc”, câu trả lời thật là tuyệt vời bưng bít.

Thiền tông đã truyền thừa được sáu đời tại Trung Hoa từ Bồ Ðề Ðạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng và từ đây Thiền Tông phát triển theo kiểu biến dạng thành Tịnh Ðộ Tông, vì tu thiền không kết quả. Do đó, Tổ Thiền Tông Tuệ Viễn thành lập Liên Trì Thư Xã sớ giải kinh Tịnh Ðộ. Ðó là một hiện tượng báo động cho biết Thiền Tông tu hành chẳng đến đâu nên mới sinh ra pháp môn Tịnh Ðộ. Thiền tông phát triển đến thiền công án và tham thoại đầu là con đường thiền chấm dứt, không còn phương thế nào phát triển hơn nữa được.

Khi phát triển đến mức độ không còn phát triển được nữa thì lại sinh ra một hệ phái khác: Tịnh Ðộ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông. Tất cả các hệ phái này đều là con đẻ của Thiền Tông. Cho nên, kinh sách Ðại Thừa là kinh sách phát triển theo kiến giải, tưởng giải của giáo pháp Bà La Môn Ấn Ðộ, của Thiền Tông Trung Hoa. Các Tổ Sư Thiền Tông Trung Hoa rất khôn khéo, vì biết chắc tín đồ không tin ở họ nên soạn kinh, viết sách đều gán cho Phật thuyết. Ðó là có ý đồ lừa đảo Phật tử bằng cách dùng thuật ngữ “Thiền giáo đồng hành”, có nghĩa là lấy giáo tức là lời dạy của Phật làm niềm tin cho thiền. Khi Bồ Ðề Ðạt Ma sang Trung Hoa đã tuyên bố: “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Chỉ thẳng tâm người. Kiến tánh thành Phật”.

Vì thế, Bồ Ðề Ðạt Ma diện kiến vua Lương Võ Ðế. Nhà vua hỏi: “- Ai đang ở trước mặt Ta”.

Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời: “Không biết” nên bị vua Lương Võ Ðế sai lính hầu đánh gãy răng, và thả Ông ra, cấm không cho truyền tà đạo (đạo không đúng đạo Phật), từ đó Bồ Ðề Ðạt Ma lên núi nhập thất, mai danh ẩn tích 9 năm. Người ta gọi ông là ông Bà La Môn ngồi nhìn vách đá chín năm.

“Diện bích cửu niên
Ðấng ngộ Bồ Ðề.
Dữ Chân Bồ Tát
Tề thành chánh giác”.

Cho nên, kinh Duy Ma Cật chỉ là một lập luận Phật tánh của Thiền Tông Trung Hoa, chứ không có gì mới mẻ cả.