
TỨ BẤT HOẠI TỊNH
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích 37 Phẩm Trợ Đạo, TG.2010, tr.47-51)
Nguồn: 37 Phẩm Trợ Đạo
Tứ Bất hoại gồm có:
1- Niệm Phật,
2- Niệm Pháp,
3- Niệm Tăng,
4- Niệm Giới.
Đây là nhóm bốn pháp của Phật giáo theo lời dạy của Phật còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy.
Pháp niệm Phật này không giống pháp môn niệm Phật trong kinh sách Ðại Thừa. Pháp môn niệm bốn Bất Hoại Tịnh này dạy chúng ta sống như Phật (niệm Phật), sống như các pháp (niệm Pháp), sống như chúng thánh Tăng (niệm Tăng) đệ tử của Phật và sống như giới luật (niệm Giới). Chữ niệm ở đây không có nghĩa là niệm lầm thầm trong miệng mà chữ niệm ở đây có nghĩa là bắt chước, làm theo từng hành động cho đúng những oai nghi chánh hạnh của những bậc chân tu. Trong bốn pháp môn này cũng là một chùm pháp, nếu chúng ta chỉ cần tu một pháp trong bốn pháp này thì cũng thành tựu luôn cả bốn pháp kia, vì một pháp là cả bốn pháp.
Ví dụ: Tu tập pháp thứ nhất là NIỆM PHẬT trong pháp môn TỨ BẤT HOẠI TỊNH thì cũng giống như tu tập NIỆM PHÁP, NIỆM TĂNG và NIỆM GIỚI. Cho nên tuy nói là bốn pháp, có bốn tên khác nhau nhưng khi thực hành thì trong bốn pháp này không khác nhau. NIỆM PHẬT cũng giống như NIỆM PHÁP, NIỆM PHÁP cũng giống như NIỆM TĂNG, NIỆM TĂNG cũng giống như NIỆM GIỚI, vì Phật sống đúng như PHÁP, Phật sống đầy đủ GIỚI và Phật sống làm gương mẫu cho CHÚNG THÁNH TĂNG. Cho nên người sống giống như Phật là người sống không sai PHÁP, người sống không sai PHÁP là người sống không sai khác CHÚNG THÁNH TĂNG; sống không sai khác CHÚNG THÁNH TĂNG là sống đúng GIỚI LUẬT. Muốn tu tập pháp môn NIỆM TỨ BẤT HOẠI TỊNH thì chỉ tu một pháp môn NIỆM PHẬT thì thành tựu luôn cả bốn pháp: niệm PHẬT, niệm PHÁP, niệm TĂNG, niệm GIỚI. Khi tu tập NIỆM TỨ BẤT HOẠI không hợp với đặc tướng của mình nên thường bị niệm vọng tưởng khởi hay bị hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không tấn công thì chúng ta nên thay đổi pháp tu tập. Thay đổi pháp tu tập thì chúng ta tu tập ngay pháp môn TỨ CHÁNH CẦN.