1.- BUỒN CHÁN; 2.- BỒ TÁT QUAN ÂM; 3.- BUÔNG XẢ SẠCH
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP. tập 3, TG.2011, tr.57-59; 116-120; 155-158)
link sách: ĐVXP. tập 3
1.- BUỒN CHÁN
Hỏi: Kính thưa Thầy! Làm sao ngăn chặn được tâm buồn chán?
Ðáp: Buồn chán là một trạng thái bi quan. Buồn chán là một trạng thái ngao ngán cho một sự việc mình đang làm mà gặp thất bại. Muốn hết buồn chán con nên tìm hiểu tâm con đang buồn chán cái gì? Khi đã rõ sự việc buồn chán con đặt niệm đó tư duy quán xét theo như cách tu “Ðịnh Vô Lậu”.
Nên trao đổi tâm niệm buồn chán với một Thiện hữu tri thức thân thương, người ấy sẽ giúp xả tâm niệm đó.
Buồn chán là một trạng thái khổ đau, nó là ác pháp. Người tu hành theo Ðạo Phật nhất định không để tâm buồn chán và tìm mọi cách đẩy lui nó ra khỏi tâm, giúp cho tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Vì lời dạy của Ðức Phật luôn luôn phải: “Ngăn ác, diệt ác pháp”. Buồn chán là một ác pháp, ác pháp này rất độc nó có thể khiến con đi đến tự tử. Tự tử để không còn buồn chán, nhưng sự thật nó không phải vậy. Bởi vì tự tử gây ra một tội lỗi rất lớn, tội giết người. Người chết trong tự tử là người chết trong đau khổ, chết trong đau khổ là chết trong địa ngục có nghĩa là người này bỏ thân này tiếp nối thân khác ngay liền đều gặp thân đau khổ và còn đau khổ hơn trong kiếp này nữa.
Vì vậy, buồn chán là một ác pháp tối độc hại, người tu theo đạo Phật phải đề cao cảnh giác đừng để tâm buồn chán, vừa thấy tâm hơi buồn là chúng ta đã hóa giải nó ngay liền.
Trên đường tu hành theo đạo Phật “chúng ta nên tu tập để nhàm chán đời sống thế gian, chứ không nên buồn chán”, vì nhàm chán khác với buồn chán, buồn chán là vì không thỏa mãn được lòng ham muốn, còn nhàm chán có nghĩa là đã từng trải đời, thấy đời là một sự khổ đau chân thật không có gì vui chỉ là một chuỗi dài thời gian toàn là sự vô thường và khổ đau. Cho nên, buồn chán là một ác pháp cần phải diệt, còn nhàm chán là một diệu pháp giúp chúng ta thoát ra khỏi cuộc đời đầy sóng gió, ba đào.
Người tu hành theo Phật giáo mà để tâm buồn chán là người ngu si ôm ác pháp trong tâm để rồi tự giết mình trong ác pháp, chết trong ác pháp ấy, người như vậy không xứng đáng là đệ tử của Phật. Người đệ tử của Phật lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự.
Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là hạnh phúc nhất trần gian.
2.- BỒ TÁT QUAN ÂM
Hỏi: Kính thưa Thầy! Bồ Tát Quan Thế Âm do tưởng mà có, nhưng cũng có sự linh thiêng và cứu độ? Xin Thầy giảng cho chúng con được hiểu.
Ðáp: Chính vì người ta thấy những bóng ma phảng phất, những sự linh thiêng của những nhân vật tưởng tượng nên thế giới siêu hình mới có. Không ai giải thích được những hiện tượng kỳ lạ đó do đâu mà có, khoa học cũng đành bó tay. Chỉ có những người nhập được chánh định, vượt qua cảnh giới hữu sắc và vô sắc tức là vượt qua các loại định tưởng thì mới thấy được thế giới siêu hình rõ ràng và sự linh thiêng đó do đâu mà có.
Thân chúng ta gồm năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
- Sắc là thế giới hữu hình.
- Tưởng là thế giới vô hình. Người ta hiểu tưởng là do sự tưởng tượng. Tưởng ở đây không phải là tưởng tượng, mà là tưởng ấm cũng như sắc ấm vậy, chứ không phải sự tưởng tượng. Sắc ấm có cảnh giới của sắc ấm như: nhà cửa, cây cỏ, vạn vật, cầm thú, vạn hữu, v.v… thì cảnh giới tưởng ấm cũng vậy, nó chỉ khác là vô sắc. Vì nó là hình ảnh bóng dáng theo khuôn mẫu của thế giới sắc ấm (hữu hình), nó cũng giống như cây cổ thụ kia, hình và bóng của nó. Cây là thế giới hữu hình, còn bóng của nó là thế giới siêu hình, cho nên cây không có thì bóng cũng không có. Vì thế, thân người mất thì linh hồn người cũng không còn.
Cảnh giới hữu hình và siêu hình của một người theo nhau như hình với bóng. Phước đến thì nó hiện ra giải nạn do một niềm tin ở vị Thần, Thánh nào đó, ngược lại người đó không tin Thần, Thánh thì nó khiến người đó lỡ tàu, lỡ xe để thoát nạn.
Ðồng thời mọi người cùng thấy ở một góc độ nào đó, thì đó là do cộng nghiệp và do lòng tin, nhưng nó còn tùy ở tưởng ấm hoạt động giao cảm mạnh hay yếu.
Người tu tập thiền định, trạng thái tưởng xuất hiện kỳ lạ, nếu không có thiện hữu tri thức thì không thể nào ngồi yên nổi để tu. Trường hợp đó người tu nào cũng đều cho đó là thế giới oan hồn đến phá. Thấy một tảng đá, hoặc một người ngồi giữa đường, người lái xe lạc tay lái, gây tai nạn, đó là nghiệp ác đến, tưởng ấm xuất hiện ra. Một người té xuống sông, có cảm giác như có người lôi họ xuống nước, đó là nghiệp ác lôi họ xuống, nhờ tạo thiện nên có người cứu thoát họ.
Luật nhân quả nghiệp báo sử dụng sắc ấm và tưởng ấm rất là vi diệu mà loài người không thể lường được.
Hàng ngày, một người không tu tập và không trau dồi thân tâm bằng thiện pháp, nhân quả nghiệp báo sai sắc ấm của họ làm những điều tội ác mà họ không hề hay biết, đến khi tội khổ thì họ lại than trời trách đất, đi cầu khẩn Thần, Thánh gia hộ.
Còn nhân quả nghiệp báo sai tưởng ấm của họ gây tai họa thì họ cho oan hồn, quỷ ma tác họa, ngược lại được phước báo cứu họ thoát chết thì cho là Thần Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ bình an.
Mọi người sống trong thế giới đối đãi mà không thấy đối đãi. Sống trong thế giới nhân quả mà không thấy nhân quả.
Con người từ nhân quả sanh ra, chết đi về nhân quả, lại không thấy, cho rằng có những linh hồn người chết, có những Thần, Thánh, quỷ, ma… Cho nên Ðức Phật dạy: “Con người là thừa tự nhân quả”. Ðã thừa tự nhân quả thì làm sao có ma được, hay có thế giới linh hồn người chết được?
Tất cả các tôn giáo khác đều không vén màn vô minh này, nên tôn giáo nào cũng xây dựng thế giới siêu hình có thật. Và vì thế, cuộc đời này đã làm mất đi sự công bằng và công lý của loài người. Người theo các tôn giáo thì được cứu rỗi, được gia hộ; còn ai không theo tôn giáo thì chẳng được ai cứu rỗi và gia hộ cả. Như vậy có bất công không? Chỉ có Phật giáo dám xác định thế giới siêu hình khách quan không có, mà có thế giới siêu hình chủ quan do từ tưởng ấm lưu xuất. Khi một người còn sống thì có, nhưng khi đã chết thì không có. Vì đức Phật cả quyết xác định thế giới siêu hình là do tưởng tri sản xuất sanh ra chứ không có thế giới thật: “Tưởng tri chứ không phải Liễu tri”.
3.- BUÔNG XẢ SẠCH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Biết bao giờ tâm con mới xả sạch?
Ðáp: Nếu thấu rõ đời sống con người là khổ, khổ như thật. Trong cõi đời này không có một vật gì là của mình, là mình cả. Và những vật ấy không bao giờ thường còn mãi mãi, luôn có sự thay đổi vô thường từng phút giây. Vì thế, sáng vui, chiều khóc, chiều vui, sáng khóc. Ðời sống con người là vậy vui ít, khổ nhiều, có gì là hạnh phúc đâu; có gì mà tham đắm.
Nếu một người không biết nhàm chán những sự cám dỗ của cuộc đời này, để vượt ra khỏi những khổ đau của kiếp làm người, mà cứ mãi đắm chìm theo dục lạc của nó thì khó mà buông xả sạch.
Nếu không chịu khó thường quán xét, tư duy thì không thể nào thấu suốt lý vô thường, khổ đau và vô ngã của vạn pháp trong thế gian này, thì làm sao buông xả sạch vạn pháp cho được.
Nếu tâm còn ham thích, chưa ngao ngán,chán chường cuộc sống này, thì làm sao xả bỏ sạch được, nếu xả bỏ sạch không được thì cuộc đời tu hành chỉ hoài công vô ích mà thôi.
Ðạo Phật là đạo buông xả, có nghĩa buông xuống không dính mắc bất cứ một vật nào cả, còn dính mắc, dù cho một pháp nhỏ nhất như đầu mũi kim thì cũng chưa chấm dứt sanh tử, luân hồi.
Buông xuống, không có nghĩa trốn tránh, tiêu cực trong cuộc sống, như có một số nhà học giả hiểu Phật giáo như vậy, hiểu trong tinh thần tiêu cực, thụ động. Ngược lại, Phật giáo buông xuống, nhưng có nghĩa là tích cực, năng nổ làm việc để đem lại cho mình cho người có một cuộc sống ấm no đầy đủ, nhưng không vì vật chất mà chà đạp, xâu xé lên nhau để chiếm đoạt về phần mình nhiều hơn. Do đó, buông xuống có nghĩa là không dính mắc, chứ không có nghĩa tiêu cực không làm việc.
Nhàm chán không có nghĩa là chán đời. Ở đây có nghĩa là thấu suốt được vạn pháp không có thực thể, nên tâm không còn tham đắm và dính mắc nó nữa.
Nói buông xả có nghĩa là sống một đời sống ly dục ly các ác pháp, khiến cho tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự.
Nói buông xả, là nói đến một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Một đời sống đức hạnh tuyệt vời mà mọi người hằng mơ ước.
Bởi vậy con hãy cố gắng xả cho thật sạch. Xả cho thật sạch thì tâm con được an lạc, thanh thản và vô sự. Một trạng thái vô cùng an ổn và lợi ích cho muôn vạn người và tất cả chúng sanh, chứ không ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi như cuộc sống của con người hiện nay. Con người hiện nay đang sống trên sự đau khổ củamuôn loài chúng sanh, nhưng vô tình họ nào có hay biết gì đâu.
Con hãy cố gắng xả cho thật sạch thì sự tu tập của con không phí bỏ vô ích một kiếp làm người. Vì những điều con muốn biết, muốn hiểu, con đều sẽ hiểu biết tất cả. Không gian và thời gian không còn chia cắt và ngăn cách đối với con nữa. Rồi con sẽ hiểu: “Con người từ đâu gay liền, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.
Và con còn sẽ hiểu hơn nữa: “Không có con người sanh tử mà chỉ có sự thay đổi hợp, tan của môi trường sống theo định luật của nhân quả”.
Hãy cố gắng tu tập buông xả con ạ! Không uổng phí công tu tập, không hoài công đâu conạ!
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Ôm vào đau khổ vô cùng tận,
Buông xuống ngay liền vạn khổ đi.
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi, con sẽ thấy hạnh phúc vô cùng, vô tận. Cuộc sống của con người chỉ là một vở tuồng trên sân khấu nhân quả, có đáng gì cho chúng ta đắm mê, mà không buông bỏ được phải không hỡi con? Chỉ toàn là khổ đau, khổ đau vì tranh ăn; khổ đau vì danh lợi; khổ đau vì hơn thua, v.v...
Cho nên, đạo Phật ra đời dạy: “Con người bỏ xuống tất cả các ác pháp và sẽ được tất cả các thiện pháp”. Ðó là một bí quyết bảo vệ môi trường sống trên hành tinh này, đem lại cho muôn loài một đời sống công bằng và công lý.